Nhận thức được hạnh phúc và bình an không đến theo cách tự nhiên, mà là kết quả của quá trình làm giàu trí tuệ và rèn giũa nội lực; người trẻ không ngại học hỏi để tự nâng cao đề kháng tinh thần.
Học hiểu mình và yêu người
Trinh Lê (hiện sống ở bang Alabama, Mỹ) lấy chồng ở tuổi 23 và sớm đổ vỡ. Trinh nhớ lại: "Như bao cô gái trẻ, tôi bước vào đời sống hôn nhân mà không có hành trang kiến thức gì ngoài tấm bằng đại học kinh tế, ngỡ chỉ cần tình yêu là đủ bên nhau trọn đời". Cô và chồng cũ hay giận hờn, cãi vã, "chiến tranh lạnh" vì khác biệt lối sống và suy nghĩ. Đỉnh điểm là anh có nhân tình, cú sốc ly hôn khiến cô điêu đứng.
Đọc sách, tìm về thiên nhiên... giúp ích cho đời sống tinh thần .Ảnh: LỆ TRINH
Về sau, cô tái hôn với người khác. Mâu thuẫn lại phát sinh tưởng như phải chia tay. Trong một lần lên mạng tìm "chìa khóa" cho bài toán hôn nhân, cô may mắn biết hai lớp học miễn phí là "Tất tần tật về cảm xúc" và "Hành trình thay đổi phiên bản 21 ngày".
Học và thực hành nghiêm túc theo chỉ dẫn của Coach (người huấn luyện), Trinh kiên nhẫn quan sát cảm xúc của mình, tìm nguyên nhân vì sao có cảm xúc đó, nó đến từ mong cầu gì, điều đó đúng hay sai để tự điều chỉnh. Nắm bắt sự khác biệt của hai giới và cách thể hiện ngôn ngữ tình yêu cũng rất có ích. Không khí gia đình và công việc dần tốt đẹp. "Bức tranh cuộc sống đủ cung bậc thăng trầm, mỗi cung bậc có vẻ đẹp riêng. Quan trọng là ta có kiến thức để nhận ra vẻ đẹp đó không" - Trinh nói.
Nhu cầu "nạp pin" tâm hồn là điều đáng quan tâm. Các khóa học, workshop, talkshow, chương trình nghệ thuật... hướng đến việc chữa lành, vun bồi lối sống đẹp ngày càng phổ biến.
Theo đuổi giá trị phù hợp
Gần đây, chị Thùy Minh (quản lý một đơn vị truyền thông) không còn bất ngờ khi nhận đơn xin nghỉ phép vì "cần chăm sóc sức khỏe tinh thần" từ các nhân viên Gen Z. Vị sếp U40 xem đó là lý do chính đáng để họ tạm gác công việc, tận hưởng "khoảng lặng" và trở lại với tâm thế mới, làm việc hiệu quả hơn.
Khác với các thế hệ trước, Gen Z có xu hướng đề cao sự cân bằng giữa cuộc sống cá nhân và công việc hơn là sẵn sàng làm việc quá sức chỉ để đạt nấc thang nào đó trong sự nghiệp. Gen Z biết lắng nghe bản thân để gắn bó với môi trường làm việc đủ tôn trọng, phù hợp định hướng và mục tiêu riêng.
TS Biên Trương, thành viên Liên đoàn Huấn luyện quốc tế (ICF), nhận định trạng thái bình an thường tỉ lệ thuận với độ tuổi: "Càng có tuổi, người ta càng có xu hướng ít phán xét, khó bị tổn thương và ít làm tổn thương người khác hơn. Độ tuổi 15-30 còn nhiều trăn trở về gia đình, sự nghiệp, mong muốn được xã hội công nhận nên chưa thể bình an trọn vẹn. Song vẫn có cách giảm bớt tổn thương và thấy đời nhẹ nhàng".
Một buổi chia sẻ chủ đề "Bình an, đóa hoa của tri thức" thu hút hàng trăm người tham dự, đa số là bạn trẻ
Theo TS Biên Trương, để duy trì trạng thái cân bằng, cải thiện các mối quan hệ, trở thành phiên bản bình an của chính mình thì tích lũy tri thức là cần thiết. Ở trường hợp này, "tri thức" bao hàm sự hiểu biết các quy luật cuộc sống; tâm lý cơ bản của hành vi; kỹ năng giao tiếp, hành xử; thấu hiểu và trân trọng hiện tại, từ đó biết ơn những gì mình đang có.
Bình luận (0)