Trước thông tin Học viện An ninh nhân dân muốn rà soát thí sinh trúng tuyển, ngày 7-8, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) chưa nhận được công văn nào từ phía Học viện An ninh nhân dân.
Làm theo quy trình
Ông Tuấn cũng cho hay đã liên hệ tới trường nhưng đại diện nhà trường cho biết chưa có văn bản đề nghị rà soát. "Nếu có văn bản thì Cục Đào tạo, Bộ Công an, sẽ gửi cho chúng tôi" - ông Tuấn cho hay.
Lãnh đạo Học viện Cảnh sát nhân dân cho biết từ khi có kỳ thi "2 trong 1", các trường khó kiểm soát được thí sinh. (Ảnh mang tính minh họa) Ảnh: THANH HÙNG
Đại diện lãnh đạo của Cục Đào tạo cho biết đã nắm được một số thông tin ban đầu về việc thủ khoa các trường khối công an là thí sinh của Sơn La, Lạng Sơn, Hòa Bình. Tuy nhiên, theo vị này, mọi việc sẽ được tiến hành theo đúng quy trình, tức là nếu các trường có kiến nghị chính thức thì Cục Đào tạo sẽ báo cáo lên lãnh đạo cấp trên để xin chủ trương. Nếu Bộ Công an cho chủ trương thì lúc đó mới có thể đề xuất với Bộ GD-ĐT kiểm tra một số bài thi.
Tuy vậy, kể cả trong trường hợp Bộ Công an cho chủ trương, hướng dẫn xử lý nhằm bảo đảm chất lượng nguồn tuyển cho các trường nhưng Bộ GD-ĐT không đồng ý thì việc này sẽ không thể thực hiện được.
Lạng Sơn sẵn sàng hợp tác
Trong danh sách 23 thí sinh của Lạng Sơn trúng tuyển vào Học viện An ninh nhân dân 2018 có 11 thí sinh là chiến sĩ công an nghĩa vụ. Đây là số thí sinh nằm trong danh sách 35 thí sinh là công an nghĩa vụ có điểm thi cao gây xôn xao dư luận thời gian qua. 18 thí sinh khác trong danh sách này đã trúng tuyển Học viện Cảnh sát nhân dân.
Nói về việc Học viện An ninh nhân dân muốn rà soát thí sinh trúng tuyển, trưa 7-8, ông Hồ Tiến Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia 2018 tại tỉnh Lạng Sơn, khẳng định: "Nếu quy định của pháp luật cho phép, Lạng Sơn sẵn sàng ủng hộ và hợp tác". Tuy nhiên, ông cũng đặt vấn đề: "Quy chế, quy định có cho phép làm như thế hay không?".
Theo ông Thiệu, đối với thẩm quyền của các trường, trước khi thí sinh trúng tuyển nhập học, các trường có quyền tổ chức kiểm tra kiến thức đầu vào. "Đó là việc nằm trong thẩm quyền của các trường. Chúng tôi ủng hộ hoàn toàn, như vậy cho minh bạch. Còn việc rà soát, đối chiếu điểm thi với bài thi gốc của một số thí sinh trúng tuyển cũng chỉ là một trong các biện pháp như vậy. Các trường lựa chọn hình thức nào cho hợp lý, công khai, minh bạch, cho đúng quy định thì làm" - ông Thiệu bày tỏ.
Thí sinh nghĩa vụ trúng tuyển nhiều
Thiếu tướng Đặng Xuân Khang, Phó Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân, cho hay từ khi thực hiện kỳ thi THPT quốc gia, các trường đại học không kiểm soát được thí sinh. Thí sinh đạt điểm chuẩn thì trường tiếp nhận, miễn là bảo đảm điều kiện đạt sơ tuyển theo quy định của ngành và quá trình thi các em không vi phạm quy chế. Cũng theo Thiếu tướng Đặng Xuân Khang, số thí sinh là cán bộ nghĩa vụ trúng tuyển tăng lên nhiều từ khi xét tuyển vì thực tế bài thi các em đạt điểm chuẩn trở lên.
Trước băn khoăn về việc công nhận kết quả cho các thí sinh điểm cao, thậm chí là thủ khoa đầu vào ở các địa phương đang có điều tra về gian lận thi cử, ông Khang khẳng định theo quy định thì vẫn phải công nhận kết quả cho các em. Sau này khi có kết quả điều tra, nếu xác định thí sinh nào gian dối thì nhà trường sẽ kiến nghị xử lý theo đúng quy chế.
Gian lận chấm thi ở Hòa Bình: Lộ thêm 2 người
Chiều 7-8, ông Nguyễn Đức Lương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình, Trưởng Ban Chấm thi THPT quốc gia 2018 tại Hòa Bình, cho biết có 5 người được công an triệu tập, mời lên làm việc liên quan đến quá trình chấm thi trắc nghiệm có xảy ra sai sót ở môn thi trắc nghiệm. "Năm người đã được công an mời lên, còn ai vi phạm hay không, cụ thể thế nào thì đến giờ này tôi chưa được biết" - ông Lương thông tin.
Trước đó, danh tính 3 người được Công an tỉnh Hòa Bình triệu tập để xác minh là ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng - Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình, tổ trưởng tổ chấm thi; ông Đỗ Mạnh Tuấn, Hiệu phó Trường THCS-THPT Lạc Thủy (tỉnh Hòa Bình), ủy viên và ông Nguyễn Khắc Tuấn, cán bộ Sở GD-ĐT Hòa Bình, ủy viên. Ông Mạnh Tuấn và Khắc Tuấn đã bị Cơ quan An ninh Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam.
Danh tính 2 người còn lại được công an triệu tập và mời lên làm việc là ông Đào Ngọc Thuật, giáo viên Trường THPT Mường Bi (huyện Tân Lạc) và ông Nguyễn Tân Hưng, giáo viên Trường THPT Đại Đồng (huyện Lạc Sơn).
Theo ông Lương, ông Hưng được tăng cường biệt phái về Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục làm việc. Ông Hưng không có tên trong danh sách những người chấm thi. Còn ông Nguyễn Quang Vinh được mời đến cơ quan công an để bàn giao tài liệu, máy tính cho cơ quan này điều tra.
Liên quan đến sự cố gian lận điểm thi trên địa bàn, một lãnh đạo UBND tỉnh Hòa Bình cho biết Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh này đã tổ chức cuộc họp với nhiều nội dung liên quan, trong đó có nội dung xem xét trách nhiệm đối với ông Bùi Trọng Đắc, Giám đốc Sở GD-ĐT.
Theo vị này, hiện Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Hòa Bình đã báo cáo Thường trực Tỉnh ủy những nội dung liên quan và đang chờ xem xét. Thông tin về việc 3 thí sinh tỉnh Hòa Bình có điểm xét tuyển cao nhất Học viện An ninh nhân dân, vị lãnh đạo này nói mới chỉ biết thông tin qua báo chí.
Bình luận (0)