Theo thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, những trường công lập nằm trong tốp đầu, có đủ năng lực ra đề thi ĐH sẽ được thí điểm tự tổ chức tuyển sinh. Các trường này phải cam kết không phát sinh việc dạy thêm, học thêm và gây căng thẳng, phiền hà cho thí sinh.
Dựa trên kết quả tuyển sinh của các trường thí điểm, Bộ GD-ĐT sẽ phân tích những mặt được, không được để lên phương án phù hợp nhất. Tuy nhiên, theo ông Ga, chưa biết sẽ có bao nhiêu trường được thí điểm vì còn phụ thuộc vào việc đăng ký và đề án của các trường. “Mỗi trường có một đề án tuyển sinh riêng, đề án nào khả thi thì bộ sẽ áp dụng” - ông Ga khẳng định.
Ông Bùi Văn Ga cho biết nếu thí điểm thành công, phương án này sẽ dần được mở rộng trên phạm vi tất cả các trường vào năm 2015. Theo tinh thần của dự thảo Luật Giáo dục ĐH, các trường sẽ được tự chủ, tự chịu trách nhiệm xác định chỉ tiêu tuyển sinh, công bố công khai chỉ tiêu đồng thời với các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục ĐH.
Không phải đến thời điểm này lãnh đạo các trường mới đưa ra những hạn chế của phương án thi 3 chung, tại các hội nghị về giáo dục ĐH nhiều năm qua, những bất cập của phương án này đã được mổ xẻ. GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cũng cho rằng phương án thi 3 chung dẫn đến tình trạng các trường ĐH lâm vào cảnh rất “dở dang”. Mỗi trường có một đặc trưng, mỗi ngành nghề có một đặc thù nhưng khi “gom” lại để làm chung thì các trường sẽ không thể phát huy được yếu tố đặc biệt của mình, nhất là những trường năng khiếu hoặc có đặc thù về nghề nghiệp.
Tuy nhiên, khi được đề nghị lên phương án thí điểm tự chủ tuyển sinh, không phải trường ĐH nào cũng sẵn sàng. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 28-10, ông Vũ Minh Giang, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết Bộ GD-ĐT đã yêu cầu trường đổi mới phương án tuyển sinh. Theo phương án của trường, đề thi tuyển sinh sẽ được ra theo hướng đánh giá năng lực chứ không kiểm tra kiến thức cụ thể để tránh tình trạng học sinh phải ghi nhớ rất nhiều, sinh ra quay cóp. “Theo phương án thi 3 chung, thí sinh trượt trường này còn có thể xét tuyển vào trường kia. Theo phương án mới, nếu trượt ĐH Quốc gia Hà Nội, liệu các trường khác có nhận xét tuyển?” – ông Giang băn khoăn.
Ông Nguyễn Viết Thịnh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho biết trường chưa có phương án tự chủ tuyển sinh vì chưa nhận được chỉ đạo của Bộ GD-ĐT. Theo ông Thịnh, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội luôn sẵn sàng cho việc tự tổ chức kỳ thi tuyển sinh song còn băn khoăn việc có nên tiếp tục thi trắc nghiệm? “Thực tế, thi trắc nghiệm không đo hết được tư duy thí sinh nên việc tuyệt đối hóa trắc nghiệm là không được” - ông Thịnh nói.
Bình luận (0)