Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa ban hành thông tư quy định về việc tổ chức thi giáo viên dạy giỏi theo nguyên tắc dựa trên sự tự nguyện, không ép buộc, không tạo áp lực cho giáo viên.
Giáo viên đã từng như "diễn viên"
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ từng thừa nhận các cuộc thi, hội thi dạy giỏi cũng đang gây áp lực lớn lên giáo viên. Nhiều cuộc thi mang tính hình thức và các cuộc thi giáo viên dạy giỏi đang tạo nên áp lực cho người dạy, giáo viên và học sinh trở thành các "diễn viên", lãnh đạo nhà trường và tổ trưởng bộ môn là các đạo diễn.
Để vào đến vòng thi cấp thành phố, giáo viên phải trải qua 3 cuộc thi giáo viên giỏi cấp trường, cấp quận, huyện và cấp thành phố. Riêng thi cấp quận đã 2 vòng thực hành, 1 vòng lý thuyết, giáo viên mất 1 tháng chỉ để thi cấp quận. Sau đó thi tiếp thành phố mất thêm nửa tháng nữa. Tức là lớp nào có giáo viên thi thành phố thì học sinh sẽ bị "bỏ rơi" khoảng 2 tháng, giáo viên khác dạy thay và lớp luôn trong tình trạng phải học đuổi bài.
Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), cũng thẳng thắn thừa nhận, qua rà soát cho thấy có một số nơi thực hiện chưa đúng, thi giáo viên giỏi nhưng giáo viên "diễn đi diễn lại" một giờ dạy làm sai lệch mục tiêu, ý nghĩa của cuộc thi.
Bộ GD-ĐT từng có công văn chấn chỉnh một số vấn đề liên quan đến tổ chức thi giáo viên dạy giỏi các cấp học phổ thông và giáo dục thường xuyên. Trong đó, bộ yêu cầu giáo viên dự thi không được tập dượt dạy thử, dạy trước với học sinh, không được "gài bài" trước cho học sinh, khi thao giảng cần phải được giữ nguyên trạng số lượng học sinh của lớp…
Theo quy định mà Bộ GD-ĐT mới ban hành, hội thi giáo viên dạy giỏi phải được tổ chức dựa trên sự tự nguyện của giáo viên; không ép buộc, không tạo áp lực cho giáo viên tham gia hội thi; bảo đảm tính trung thực, dân chủ, công khai, minh bạch, công bằng, khách quan và bảo đảm thực chất.
Thông tư cũng quy định giáo viên dự thi phải thực hành dạy 1 tiết theo kế hoạch giảng dạy tại thời điểm diễn ra hội thi. Tiết dạy này được tổ chức lần đầu tại lớp học với nguyên trạng số lượng trẻ/học sinh của lớp đó.
Giáo viên không được dạy thử tiết trước khi tham gia hội thi và chỉ được thông báo không quá 2 ngày trước thời điểm thi. Ngoài ra, giáo viên sẽ phải trình bày một giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy. Thời lượng trình bày khoảng 30 phút trước ban giám khảo. Biện pháp này được lãnh đạo cơ sở giáo dục xác nhận áp dụng hiệu quả và lần đầu được dùng để đăng ký thi giáo viên dạy giỏi cơ sở giáo dục phổ thông và chưa được dùng để xét duyệt thành tích khen thưởng cá nhân trước đó.
Nhiều giáo viên vẫn muốn chú tâm cho giờ giảng trên lớp và đổi mới phương pháp giảng dạy. Ảnh: TẤN THẠNH
Không "gánh" thành tích
Cô Nguyễn Hương Thảo, giáo viên dạy giỏi của Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành, TP Hà Nội, cho rằng việc đi thi với tinh thần nhẹ nhàng, vui vẻ là việc nên hướng đến. "Đi thi với tinh thần học hỏi, tiếp xúc, mở rộng chuyên môn sẽ tạo tâm lý thoải mái cho giáo viên. Tuy nhiên nhiều trường đang đặt nặng thành tích, gây áp lực cho giáo viên" - giáo viên này nói.
Chia sẻ kinh nghiệm từng tham gia cuộc thi giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, cô Hương Thảo cho rằng cuộc thi có cả những mặt được và chưa được. Mặt được là giáo viên phát triển về chuyên môn. Không phải chỉ giáo viên tham gia dự thi mới trau dồi, đầu tư mà cả các giáo viên trong tổ, trong trường đều giúp đỡ. Tất nhiên là người đi thi nhận được nhiều nhất nhưng các giáo viên khác cũng nhận được nhiều lợi ích về chuyên môn.
Tuy nhiên, ở cấp THCS, một vài nơi, một vài quận đang yêu cầu giáo viên dạy 2 bài/ngày, điều này là phản khoa học và cả giáo viên cùng học sinh đều rất mệt mỏi. Thêm vào đó, một số trường vì thành tích mà mất rất nhiều thời gian cho bài thi, khiến giáo viên đuối sức. "Thi giáo viên dạy giỏi là cần thiết nhưng phải nhẹ nhàng, thực chất" - cô Hương Thảo đề nghị.
Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), cho hay trước khi quyết định vẫn tiếp tục giữ hội thi giáo viên dạy giỏi, bộ đã đưa ra 2 phương án hoặc là thi hoặc là xét để công nhận giáo viên dạy giỏi, lấy ý kiến giáo viên nhưng kết quả đa số thầy cô vẫn muốn giữ cuộc thi này. Tuy nhiên, giáo viên sẽ chỉ tham gia cuộc thi trên tinh thần tự nguyện, không có chuyện bị ép buộc tham gia và "gánh" thành tích của nhà trường.
Minh chứng đánh giá
Theo Bộ GD-ĐT, kết quả hội thi là minh chứng để giáo viên tham gia đánh giá chuẩn nghề nghiệp và thực hiện chế độ chính sách. Giáo viên được công nhận giáo viên dạy giỏi, chủ nhiệm lớp giỏi có trách nhiệm dạy lại tiết dạy đã tham gia hội thi trong phạm vi cấp trường, liên trường trên địa bàn để chia sẻ những kinh nghiệm.
Bình luận (0)