Cuộc đổi mới này đang bề bộn, từ viết lại sách giáo khoa, đổi mới việc dạy và học đến tổ chức các kỳ thi… Có 2 vấn đề được dư luận rất quan tâm là việc đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi ĐH.
Với kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD-ĐT và cả dư luận có vẻ đang nghiêng về phương án thi 2 môn bắt buộc (văn, toán) và 2 môn tự chọn. Điều băn khoăn là kỳ thi này được đổi mới nhưng cách dạy và học vẫn như cũ. Đặc biệt, thi như vậy có bảo đảm tính khoa học để nhằm kiểm tra kiến thức phổ thông của học sinh hay không; có phải đây là kỳ thi chuẩn quốc gia để làm cơ sở xét tuyển vào ĐH, CĐ?
Với kỳ thi ĐH - CĐ, Bộ GD-ĐT càng bị áp lực rất lớn, đặc biệt từ các trường ngoài công lập. Chủ trương của bộ là sẽ dần dần giao quyền tự chủ gắn với trách nhiệm cho các trường tự tổ chức các phương án tuyển sinh và chịu trách nhiệm trước xã hội. Bộ chỉ làm công tác quản lý nhà nước, tức xem xét phương án tuyển sinh đó có đúng luật hay không; không cấp phép cũng không phê duyệt đề án tuyển sinh của từng trường.
Trong thời kỳ “cửa sổ” để đổi mới toàn diện kỳ tuyển sinh ĐH - CĐ, Bộ GD-ĐT vẫn tạm thời giữ kỳ thi “3 chung” trong lộ trình 3 năm để học sinh vào lớp 10 năm nay vẫn có thể thi “3 chung” sau 3 năm nữa. Đó cũng là cách để học sinh học theo chương trình dạy - học mới thích nghi với cách thi mới. Trong vấn đề này, Bộ GD-ĐT đã từng “nhân nhượng” các trường ngoài công lập khi cho phép các trường có phương án thi riêng được sử dụng kết quả kỳ thi “3 chung” mà trước đó bộ kiên quyết không chấp nhận.
Với những đổi mới đó, các trường ngoài công lập vẫn rất khó tuyển sinh. Còn để tổ chức tuyển sinh riêng với các trường ngoài công lập ngay từ kỳ thi tới chẳng khác nào đâm vào chỗ chết! Để gỡ khó, Hiệp hội các trường ĐH - CĐ ngoài công lập vừa đề xuất Bộ GD-ĐT “5 bỏ”, trong đó có bỏ thi ĐH - CĐ. GS Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - cho rằng đề xuất đó trái với tinh thần của Luật Giáo dục ĐH. Luật Giáo dục ĐH không nói bỏ thi mà chỉ giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục ĐH. Các trường ĐH công lập và tất nhiên Bộ GD-ĐT cũng không đồng tình với đề xuất táo bạo ấy.
Cuộc tranh luận về thi chung - thi riêng chắc chắn vẫn còn tiếp diễn. Tuy nhiên, phải hiểu một cách thấu đáo rằng việc đổi mới kỳ thi tuyển sinh ĐH - CĐ không nhằm để cứu các trường ngoài công lập mà hướng tới những cách tuyển sinh khoa học để bảo đảm nguồn tuyển sinh chất lượng. Việc nâng cao chất lượng đào tạo các trường ngoài công lập mới là quan trọng chứ không không phải “hà hơi tiếp sức” để sống lay lắt, đào tạo ra nguồn nhân lực không đáp ứng được yêu cầu của xã hội.
Bình luận (0)