Chiều 8-8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết tính đến 12 giờ ngày 8-8, đã có 242.000 thí sinh trúng tuyển đợt 1 làm thủ tục xác nhận nhập học so với tổng chỉ tiêu tuyển sinh bằng kết quả kỳ thi THPT quốc gia của các trường là 352.000, đạt tỉ lệ gần 70%.
Thí sinh đi đâu?
Thống kê theo nhóm trường cho thấy có 57 trường tỉ lệ nhập học từ 90% trở lên; 74 trường tỉ lệ nhập học từ 70% đến gần 90%; 65 trường tỉ lệ nhập học từ 50% đến gần 70%. Thời hạn cuối thí sinh nộp giấy chứng nhận kết quả thi THPT xác nhận nhập học đợt 1 là hết ngày 7-8. Như vậy, vẫn còn hơn 30% thí sinh trúng tuyển đợt 1 nhưng không đến nhập học.
PGS-TS Nguyễn Đức Minh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, cho rằng hiện nay rất nhiều trường ĐH công lập đã thực hiện tự chủ tài chính nên mức học phí khá cao. Khi thí sinh đăng ký xét tuyển, các em ít quan tâm đến học phí mà chỉ quan tâm đến ngành, trường có mức điểm phù hợp. Khi trúng tuyển, các em bất ngờ khi trường thông báo mức học phí mà nhiều gia đình không thể kham nổi. Do vậy, nhiều thí sinh từ chối trúng tuyển để tham gia xét tuyển bổ sung vào những trường ĐH có mức học phí thấp, chủ yếu là trường địa phương. Ngoài ra, còn một bộ phận thí sinh trúng tuyển ĐH nhưng không làm thủ tục nhập học mà đi du học, học chương trình liên kết...
Thí sinh làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Kinh tế TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
Thạc sĩ Trương Tiến Sĩ, giảng viên Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, cho biết phải đến ngày 9 hoặc 10-8 các trường mới có kết quả cuối cùng về tỉ lệ thí sinh nhập học/trúng tuyển nhưng nhiều trường hiện đang có tỉ lệ thấp rất khó cải thiện được tình hình. Ông Sĩ cho rằng không phải cứ trúng tuyển ĐH là thí sinh nhập học mà thực tế các em còn nhiều hướng đi khác, thậm chí không học.
Như vậy, dù năm nay Bộ GD-ĐT rất chú trọng việc lọc ảo, thậm chí bộ này đã lọc ảo đến 6 lần trước khi xác định điểm chuẩn nhưng cuối cùng vẫn xảy ra tình trạng thí sinh ảo. Lý giải điều này, phó hiệu trưởng một trường ĐH ở TP HCM cho rằng năm nay, khi làm công tác tuyển sinh, Bộ GD-ĐT đã "quên" các trường CĐ công lập trước đây vốn thuộc Bộ GD-ĐT có kết quả điểm tuyển sinh rất cao như Trường CĐ Kinh tế Đối ngoại, Trường CĐ Tài chính Hải quan, Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng… Những trường ĐH công lập tốp 1 có tỉ lệ nhập học cao vì đây là sự ưu tiên số 1 của thí sinh nên không ảnh hưởng. Nhưng khi thí sinh không trúng vào nhóm trường này sẽ xem xét chọn giữa trường ĐH công lập tốp giữa (nhiều trường đã tự chủ tài chính), trường ĐH ngoài công lập uy tín hay trường CĐ tốp đầu. Trường ĐH công lập tự chủ hay trường ĐH ngoài công lập có mức học phí khá cao, thậm chí rất cao so với trường CĐ công lập nên nhiều thí sinh sẽ chọn học CĐ để tiết kiệm chi phí mà cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp cũng nhiều. Và, khi các em quyết định nhập học trường CĐ công lập thì cũng nhận được nhiều ưu đãi. Đó là lý do vì sao nhiều trường ĐH, kể cả trường ĐH công lập, cũng bị hụt chỉ tiêu.
Bên cạnh đó, đại diện một số trường cho rằng nhiều trường ĐH đã gọi vượt trên 100% chỉ tiêu, điều này đã làm mất nguồn của các trường khác. Trong khi đó, với điểm sàn 15,5 cho tất cả tổ hợp xét tuyển thì hệ số dôi dư không nhiều.
Nhiều trường công phải tuyển bổ sung
Kết thúc xét tuyển đợt 1 (từ ngày 1 đến 7-8), nhiều trường ĐH thông báo xét tuyển bổ sung với hàng trăm, thậm chí hàng ngàn chỉ tiêu.
Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM cho biết đã lên phương án xét nguyện vọng bổ sung 150 chỉ tiêu cho 3 ngành ĐH chương trình đại trà gồm: an toàn thông tin, quản lý tài nguyên và môi trường, công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, đây là những ngành mới tuyển sinh trong năm 2017. Ngoài ra, trường cũng tuyển bổ sung 150 chỉ tiêu của các ngành ĐH chương trình chuẩn quốc tế, 300 chỉ tiêu của các ngành hệ CĐ.
Trường ĐH Công nghiệp TP HCM cũng thông báo tuyển bổ sung 600 chỉ tiêu cho các ngành đào tạo ĐH hệ chính quy đại trà và hệ chất lượng cao. Phó Hiệu trưởng Nguyễn Đức Minh cho biết những ngành xét tuyển bổ sung có những ngành tuyển sinh được nhằm bù đắp lại cho những ngành khó tuyển sinh.
Theo PGS-TS Nguyễn Minh Hà, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Mở TP HCM, trường xét tuyển bổ sung 600 chỉ tiêu cho 4 chương trình đào tạo chất lượng cao và 7 ngành ĐH hệ đại trà với điểm xét tuyển bằng điểm trúng tuyển đợt 1. Đa số những ngành tuyển sinh thêm là những ngành khó tuyển sinh trong những năm qua như Đông Nam Á, công tác xã hội, xã hội học…
Trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải vừa công bố xét tuyển bổ sung. Theo đó, cơ sở Hà Nội cần bổ sung 445 chỉ tiêu tại 12 mã ngành với mức điểm nhận xét tuyển là 16 và 17 điểm, cơ sở tại Vĩnh Phúc cần 150 chỉ tiêu, mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển từ điểm sàn của bộ. Cơ sở tại Thái Nguyên cũng nhận hồ sơ xét tuyển từ điểm sàn với 20 chỉ tiêu, riêng tại cơ sở Thái Nguyên trường xét bổ sung bằng học bạ 90 chỉ tiêu.
Trường ĐH Thủy lợi tuyển bổ sung 790 chỉ tiêu cho cơ sở phía Bắc và 200 chỉ tiêu cho cơ sở phía Nam. Trong khi đó Trường ĐH Tài nguyên Môi trường lấy điểm xét tuyển bổ sung tính từ điểm sàn của Bộ GD-ĐT từ 15,5 điểm đến 16,5 điểm cho 171 chỉ tiêu.
Học viện Lâm nghiệp cũng thông báo tuyển bổ sung 635 chỉ tiêu đối với chương trình đào tạo bình thường bằng hai phương thức vừa lấy kết quả thi THPT quốc gia từ điểm sàn vừa lấy kết quả học bạ.
Bình luận (0)