Trước những bức xúc của phụ huynh về tình trạng một số trường tiểu học yêu cầu học sinh lớp 1 phải đọc trơn thay vì đánh vần, gây khó khăn cho việc học tập của các em, ông Lê Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, nhấn mạnh: “Đây là hiện tượng, không phải cá biệt, bởi từ đây liên quan đến việc dạy thêm, học thêm. Mới vào lớp 1 đã yêu cầu biết đọc, biết viết thì phải đi học thêm”.
Vụ trưởng Định cũng cho biết bộ đã yêu cầu các sở GD-ĐT địa phương xử lý những trường hợp tương tự. Tuy nhiên, ông Định cũng thừa nhận vẫn chưa thể giải quyết triệt để vấn đề dạy thêm, học thêm. “Giáo viên dùng điểm số gây áp lực cho học sinh nên quy định không chấm điểm thường xuyên như hướng dẫn trong thông tư là một giải pháp. Dù vậy, tâm lý phụ huynh là muốn con mình giỏi hơn các bạn khác nên nhờ thầy cô dạy thêm. Bộ GD-ĐT đã có văn bản hướng dẫn nhưng thực thi ở địa phương thì phải nhờ công tác kiểm tra tại cơ sở, phường, xã phải quản lý mới hiệu quả. Ngành giáo dục đã có nhiều giải pháp nhưng không thể triệt để trên diện rộng buộc chính quyền phải tham gia” - ông Định khẳng định. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển nói thêm người dân cần nhận thức lại chất lượng giáo dục là thế nào, không phải chỉ giỏi văn, toán. Nếu quan niệm thế thì nhu cầu học thêm sẽ ít đi.
Liên quan đến tình trạng lạm thu làm đau đầu các cơ quan quản lý giáo dục mỗi đầu năm học, ông Định cho rằng bộ đã tổ chức các đoàn kiểm tra và các trường hợp phản ánh về bộ đều đã trả lại tiền cho phụ huynh. “Các địa phương đã ban hành quy định về thu chi nhưng hiện tượng lạm thu vẫn tồn tại” - ông Định cho hay. Ông Bùi Hồng Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GD-ĐT, nhấn mạnh từ năm 2010 đến nay, Bộ GD-ĐT liên tục có văn bản quy định chấn chỉnh việc lạm thu, 2 năm gần đây vấn đề này còn nêu trong nhiệm vụ năm học nhưng sự quản lý của địa phương chưa sâu sát, đặc biệt là khu vực thành phố. “Bộ sẽ phải rà soát, xem xét sửa đổi điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh” - ông Quang nói.
Về vấn đề đang được quan tâm nhất hiện nay là kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển ĐH-CĐ 2016, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết bộ sẽ công bố dự thảo về phương án thi - tuyển sinh năm 2016 tại hội nghị tổng kết năm học 2014-2015 và phương hướng nhiệm vụ năm học 2015-2016 khối ĐH-CĐ trong ngày 22-10 tới. “Tinh thần là bộ sẽ tăng tự chủ cho các trường, không yêu cầu các trường cấp 4 giấy báo điểm hay không dùng phần mềm quản lý chung mà cho thí sinh được tự do đăng ký xét tuyển vào các trường. Bộ sẽ cùng các trường bàn thảo các giải pháp giảm thí sinh “ảo”, ví dụ chia ra các đợt xét tuyển với các trường khác nhau hoặc các trường tốp trên liên kết với nhau để làm tuyển sinh. Có 30 trường thu hút thí sinh mạnh nhất nên họ có thể liên kết với nhau để xử lý dữ liệu tuyển sinh” - ông Ga cho hay và nhấn mạnh sẽ bàn phương án kiểm soát để thuận lợi cho cả thí sinh và các trường.
Bình luận (0)