Đề án quốc gia “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” có mục tiêu chung là “đến năm 2020, đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, CĐ và ĐH có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa; biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Với kinh phí lên đến gần 10.000 tỉ đồng, đề án nhắm đến việc chuẩn bị cho nguồn nhân lực có khả năng tốt về mặt ngôn ngữ khi Việt Nam hòa nhập khu vực và quốc tế qua các sự kiện quan trọng như gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương...
Nhiều địa phương dưới 50% thí sinh thi ngoại ngữ
Ngoại ngữ là môn thi bắt buộc, trừ năm 2014 được quy định là môn tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, khi đó chỉ có 15,85% thí sinh chọn. Dù được quy định là môn bắt buộc nhưng đối với các địa phương có khó khăn trong tổ chức dạy và học môn ngoại ngữ, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho phép thí sinh chọn môn thi khác thay thế. Vì vậy, trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, đến 1/3 cụm thi địa phương (chỉ dành cho thí sinh dự thi để xét tốt nghiệp THPT) có tỉ lệ thí sinh thi ngoại ngữ thấp dưới 50%. Trong đó, nhiều tỉnh ở biên giới phía Bắc, Tây Nguyên và vài tỉnh ở ĐBSCL (Lai Châu, Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Đắk Nông, Đắk Lắk, Bến Tre, Sóc Trăng...) dưới 10%.
Tình hình đăng ký thi môn ngoại ngữ trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 cũng chưa sáng sủa lắm. Ở nhiều tỉnh, ngoại ngữ mới chính là môn có ít thí sinh đăng ký thi nhất chứ không phải môn lịch sử.
Thống kê sơ bộ ban đầu cho thấy tỉ lệ đăng ký thi môn ngoại ngữ vẫn thấp ở những cụm thi tốt nghiệp và của các địa phương nêu trên, kể cả cụm thi ĐH ở vài cụm khác: Lào Cai (năm 2015: 2,1%, 2016: 10,2%), Bến Tre (2015: 5,7%, 2016: 3,9%), Đắk Lắk (2015: 7,8%, 2016: 17,8%, tính chung cho cả học sinh thi tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ), Kon Tum (2015: 12,2%, 2016: 10,9%), Gia Lai (2015: 40%, 2016: 15,6%, tính chung cho cả học sinh thi tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ). Thậm chí, ngoại ngữ là môn “trắng” (không có thí sinh đăng ký) ở một số trường THPT, nhất là các trung tâm giáo dục thường xuyên.
Vênh giữa thi và xét tuyển
Theo quy định chung, ngoài các ngành năng khiếu, hầu hết những ngành tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ thường xét tuyển bằng tổ hợp điểm thi của 3 môn. Trong đó, nhất thiết phải có môn toán hoặc môn văn, thậm chí cả 2 môn toán và văn càng tốt.
Bên cạnh các môn bắt buộc khác là toán và văn như trên thì ngoại ngữ (tiếng Anh) cũng là môn rất phổ biến trong các tổ hợp môn dùng để xét tuyển thí sinh vào các ngành tuyển sinh. Hiện nay, đến 90% ngành tuyển sinh (97/108 ngành) của các trường thành viên ĐHQG TP HCM có môn tiếng Anh là 1 trong 3 môn xét tuyển.
Ngay cả các trường ĐH ở “vùng trũng ngoại ngữ” đã nêu, tỉ lệ số ngành tuyển sinh có xét tuyển môn ngoại ngữ cũng bắt đầu được nâng lên nhiều hơn (Trường ĐH Tây Nguyên 18/34 ngành, Trường ĐH Tây Bắc 12/21 ngành...). Ở nhiều ngành có ngoại ngữ trong tổ hợp môn xét tuyển, môn này còn được nhân hệ số. Vì vậy, thi ngoại ngữ và có điểm cao trở thành lợi thế đương nhiên của nhiều thí sinh.
Nếu như năm 2014 - vẫn còn kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ riêng biệt - chỉ có 15% thí sinh chọn thi khối D (toán, văn, ngoại ngữ), phần lớn là thí sinh ở các thành phố lớn, thì năm 2015, do quy định “môn bắt buộc” của kỳ thi THPT quốc gia, đến 74% thí sinh có đủ tổ hợp 3 môn toán, văn, ngoại ngữ để xét tuyển theo khối thi D truyền thống. Nhưng cũng chính điều này khiến cánh cửa xét tuyển của thí sinh không thi môn ngoại ngữ hẹp hơn nếu các em chỉ trông cậy vào những môn khác không nằm trong các khối thi truyền thống được dành nhiều chỉ tiêu như khối A (toán, lý, hóa) và khối D (toán, văn, ngoại ngữ).
Thực tế, chọn môn thi ngoại ngữ trong kỳ thi THPT quốc gia của thí sinh chỉ là phản ánh tình trạng dạy và học môn này. Điều quan trọng hơn là phải đổi mới mạnh mẽ trong dạy và học môn ngoại ngữ, nhất là ở những vùng còn khó khăn, thì mới có thể đạt được các yêu cầu về hội nhập cho nguồn nhân lực của đất nước.
Bình luận (0)