Ông Cương cho rằng việc xét tuyển hiện nay không khác gì chơi một ván bài. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) không lường trước tác hại quá lớn của các nguyện vọng ảo ảnh hưởng tâm lý của thí sinh. Những ngày cuối cùng trong thời hạn xét tuyển, số lượng thí sinh đến rút - nộp hồ sơ vào các trường càng nhiều, tỉ lệ thuận với sự lo lắng và may rủi. Nhiều trường cung cấp danh sách thí sinh đạt điểm từ cao xuống thấp nhưng các em không thể kiểm soát được ngoài danh sách này sẽ còn những ai đăng ký xét tuyển.
Chỉ riêng trong buổi sáng 17-8, đã có 500 người tiếp tục nộp hồ sơ vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, trong số này có hơn 200 người đạt trên 25 điểm. Điều này đồng nghĩa với việc chỉ trong một buổi sáng đã có 200 thí sinh điểm thấp hơn 25 bị loại khỏi trường này và cuống cuồng từ khắp các tỉnh, thành về thủ đô rút hồ sơ nộp vào trường khác.
Tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, có phụ huynh, thí sinh đi từ Nghệ An ra Hà Nội rút hồ sơ, sau đó vội vàng bắt xe quay lại để nộp hồ sơ vào ĐH Huế với hy vọng điểm trúng tuyển sẽ thấp hơn.
Chị Nguyễn Thị Xuyên, quê ở Lào Cai, cho hay vì sốt ruột nên đã cùng con gái đón xe xuống Hà Nội “ăn chực nằm chờ” để chuẩn bị tinh thần cho việc nếu trượt là rút hồ sơ ngay. “Mọi năm, thi ĐH có 3 ngày nhưng năm nay, mẹ con tôi thi ĐH tới 20 ngày, không chỉ căng thẳng mà còn tốn kém. Tôi phải xin nghỉ phép từ ngày 18 đến 20-8 để xuống Hà Nội cùng con” - chị Xuyên nói.
Nhận định về việc những ông bố, bà mẹ lại tay xách nách mang cùng con “lai kinh” thuê trọ để nộp hồ sơ xét tuyển ĐH, một chuyên gia tuyển sinh cho rằng đó là điều không tránh khỏi. “Dường như lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã không lường trước được tình trạng này nên liên tục ra những chỉ đạo bổ sung, đẩy các trường vào thế bị động” - vị này nhận định. Ví dụ điển hình là việc Bộ GD-ĐT tạo điều kiện cho thí sinh bằng cách cho phép các em được thay đổi nguyện vọng hoặc điều chỉnh hồ sơ đăng ký xét tuyển qua Sở GD-ĐT. Theo chuyên gia này, sở không có hồ sơ gốc của thí sinh, nếu cứ nhận hồ sơ như theo chỉ đạo thì sau này ai sẽ chịu trách nhiệm về tính xác thực?
Thêm vào đó, bộ quy định các trường không được phép công bố điểm chuẩn trúng tuyển tạm thời, trong khi thí sinh lại rất muốn biết mình có khả năng đỗ hay không. Đó là chưa kể đến phần mềm tuyển sinh của Bộ GD-ĐT không hoàn chỉnh nên càng thêm rối. Đáng ra thí sinh phải được hưởng lợi thì nay đang bị xoay như chong chóng.
Bình luận (0)