Hôm nay (21-3), Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM sẽ tiến hành tập huấn công tác chuẩn bị thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017 cho hiệu trưởng các trường THPT, các trung tâm giáo dục thường xuyên và đơn vị giáo dục trực thuộc.
Huy động hàng chục ngàn người
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết đến thời điểm này, TP đã sẵn sàng mọi công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia. Theo ông Đạt, căn cứ vào nhu cầu và chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, việc huy động giám thị, địa điểm thi được thực hiện chu đáo, kỹ càng.
Ông Đạt cho biết năm nay tại TP HCM có khoảng 3.000 phòng thi với 126 điểm thi. Với số lượng phòng thi này, TP HCM sẽ huy động khoảng 10.000 người tham gia kỳ thi, trong đó có khoảng 7.000 giám thị và 3.000 người làm các công tác khác như giám sát, thanh tra, phục vụ kỳ thi…
“Để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho kỳ thi, hội đồng thi sẽ được đặt tại các trường THPT và THCS có cơ sở vật chất bảo đảm, rộng rãi. Hội đồng thi sẽ không đặt tại các trường tiểu học” - ông Đạt thông tin.
Ông Đạt cũng cho biết năm nay, ngoài môn văn, tất cả các môn đều thi theo hình thức trắc nghiệm nên công tác sao in đề thi được đặc biệt chú trọng để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho kỳ thi.
Trước đó, theo hướng dẫn công tác chuyên môn từ Sở GD-ĐT TP HCM, do kỳ thi THPT quốc gia năm nay có nhiều thay đổi, các trường cũng muốn có kỳ thi thử để học sinh (HS) tập dượt, làm quen nên Sở GD-ĐT TP quyết định tổ chức kỳ thi thử tốt nghiệp THPT quốc gia vào giữa tháng 5.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP HCM cũng yêu cầu các trường phải tổ chức dạy và học nghiêm túc cho HS đến ngày cuối cùng để bảo đảm kiến thức trước khi bước vào kỳ thi. Tuy nhiên, các trường phải tổ chức ôn tập theo năng lực HS, không được gây căng thẳng quá sức. Đối với những trường THPT có đầu vào thấp và nhóm HS yếu, nhà trường nên phối hợp với phụ huynh HS để có định hướng và kế hoạch tổ chức ôn tập phù hợp, bảo đảm HS tốt nghiệp THPT.
Áp lực về sự an toàn, trung thực
Ngày 20-3, hơn 62.400 HS lớp 12 của Hà Nội đã bước vào ngày đầu tiên của đợt bài kiểm tra khảo sát kỳ thi THPT quốc gia 2017. Trong đợt khảo sát kéo dài 3 ngày, mỗi HS làm 4 bài kiểm tra, gồm 3 bài bắt buộc là toán, ngữ văn, tiếng Anh và một bài kiểm tra tự chọn: khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn vật lý, hóa học, sinh học) hoặc khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân).
Ông Chử Xuân Dũng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết đợt khảo sát này được tổ chức giống kỳ thi THPT quốc gia 2017 để HS tập dượt, làm quen với phương thức thi mới. Việc tổ chức kiểm tra, chấm bài thi khảo sát sẽ bảo đảm nghiêm túc, theo đúng quy chế của kỳ thi THPT quốc gia. Sau khi có kết quả kiểm tra của các cụm thi gửi về, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ tổ chức chấm thẩm định xem các trường chấm như thế nào. Kết quả khảo sát sẽ có phân tích, đánh giá số liệu gửi về trường, là kênh thông tin để các trường, cha mẹ HS, thầy cô giáo thấy được chất lượng đào tạo thực chất.
Trong đợt khảo sát này, Hà Nội chia thành 16 cụm thi, gồm các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên trên địa bàn các quận, huyện, thị xã. Các cụm trường này tổ chức nhiều hội đồng thi nhỏ, phân công giáo viên coi thi, chấm thi, tổ chức thanh tra, kiểm tra theo đúng quy định.
Đây cũng là đợt tập dượt cho các trường để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia sắp tới. Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu việc tổ chức coi, chấm khảo sát bảo đảm nghiêm túc, theo đúng quy chế kỳ thi THPT quốc gia. Bài kiểm tra khảo sát được rọc phách, chấm tập trung theo cụm, bảo đảm khách quan, trung thực, chính xác.
Ông Bùi Quang Thái, Phó trưởng Phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng Sở GD-ĐT Hà Nội, cho rằng bên cạnh thuận lợi, kỳ thi THPT quốc gia 2017 cũng tạo nên nhiều áp lực cho các địa phương. Thứ nhất, Sở GD-ĐT phải tổ chức một kỳ thi có quy mô lớn hơn, số lượng thí sinh đông hơn. Thứ hai, tính chất của kỳ thi nhạy cảm hơn, dư luận báo chí nghi ngờ về độ trung thực của kỳ thi nên quan tâm hơn, nhất là khâu coi thi. Thêm vào đó, do lấy điểm để xét vào ĐH nên tính quyết liệt của kỳ thi cao hơn, thí sinh dễ sử dụng nhiều hình thức để gian lận như quay cóp tinh vi hơn, sử dụng các phương tiện công nghệ cao để tiêu cực. “Tại các cụm thi ĐH thường có tình trạng sử dụng công nghệ cao để nhờ người thi hộ, năm nay tất cả khó khăn đó dồn hết về phía sở GD-ĐT” - ông Thái lo lắng.
Thách thức ở khâu in sao đề
Chuẩn bị kỳ thi THPT quốc gia 2017, ông Trần Văn Long, Trưởng Phòng Khảo thí kiểm định và Công nghệ thông tin Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa, cho biết năm nay toàn tỉnh có khoảng 12.000 thí sinh dự thi (chưa kể thí sinh tự do) tại 517 phòng thuộc 27 điểm thi. Vấn đề là sở đang băn khoăn về công tác in sao đề thi và chấm thi trắc nghiệm bởi năm nay có nhiều môn thi trắc nghiệm và số mã đề thi tăng lên 24 thay vì 8 mã như những năm trước.
Ông Bùi Quang Thái cũng cho rằng Ban In sao đề thi của Sở GD-ĐT Hà Nội gặp thách thức khi số lượng và số loại đề thi nhiều hơn, có tới 8 bài thi và môn thi thành phần với 6 loại ngoại ngữ. Với 24 mã đề thi, lại có nhiều môn trắc nghiệm nên số lượng trang in nhiều hơn. Việc đóng gói, phân chia về điểm thi phức tạp hơn.
Bình luận (0)