Theo quy chế mới về đào tạo tiến sĩ vừa được Bộ GD-ĐT ban hành, người dự tuyển đào tạo tiến sĩ phải có 2 thư giới thiệu của 2 nhà khoa học có chức danh GS, PGS hoặc học vị tiến sĩ cùng chuyên ngành; có một bài luận về dự định nghiên cứu...
Có thể gây khó
Trong trường hợp không có 2 nhà khoa học thì phải có một thư giới thiệu của nhà khoa học có chức danh khoa học hoặc học vị tiến sĩ cùng chuyên ngành và một thư giới thiệu của thủ trưởng đơn vị công tác của thí sinh. Bộ GD-ĐT yêu cầu, trong thư giới thiệu, các GS, PGS phải đánh giá thật cụ thể về năng lực và phẩm chất của người dự tuyển như năng lực chuyên môn, phương pháp làm việc, khả năng nghiên cứu, khả năng làm việc theo nhóm, triển vọng phát triển về chuyên môn...
Giải thích về quy định mới này, bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Bộ GD-ĐT, cho biết việc người dự tuyển phải có thư giới thiệu của 2 nhà khoa học hoàn toàn không phải là một yêu cầu khắt khe bởi đây đã là một thông lệ quốc tế. Thực tế cho thấy, sinh viên Việt
Trước khi ban hành quy chế, Bộ GD-ĐT đã lấy ý kiến của đông đảo nhà giáo, nhà khoa học và nhận được sự nhất trí cao. Cũng để tránh tiêu cực trong việc giới thiệu, quy chế quy định rõ, người giới thiệu cần phải có ít nhất 6 tháng công tác hoặc cùng hoạt động chuyên môn với thí sinh.
Tuy vậy, PGS Ngô Thám, Phó Phòng Nghiên cứu khoa học Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, cho rằng việc có thư giới thiệu của hai GS, PGS có thể sẽ gây khó khăn với nhiều người. Thực tế nhiều sinh viên tốt nghiệp một thời gian là đi học thạc sĩ, sau đó học tiếp lên tiến sĩ nên mối quen biết với các GS, PGS không phải nhiều.
|
Trong khi đó, những thầy giáo có mối quan hệ sơ sơ thì không thể có những nhận xét, đánh giá chính xác để viết thư giới thiệu.
Cũng theo bà Hà, trước đây việc tuyển sinh tiến sĩ được thực hiện theo phương án thi tuyển nên phải thắt chặt đầu vào, ứng viên dự tuyển phải có 2 bài báo khoa học để chứng minh khả năng nghiên cứu của mình. Tuy nhiên, hướng đào tạo của Bộ GD-ĐT trong những năm tới là khuyến khích, tạo điều kiện cho những người trẻ có năng lực.
Quá trình đào tạo sẽ được quản lý chặt chẽ với việc triển khai thực hiện đề tài cũng như những đánh giá, nhận xét của các nhà khoa học về năng lực của nghiên cứu sinh trong suốt thời gian làm luận án.
Hiệu trưởng quyết định ngoại ngữ
Một nội dung trong quy chế mới được rất nhiều người quan tâm là hiệu trưởng các trường sẽ quy định môn ngoại ngữ và trình độ ngoại ngữ của người dự tuyển trên cơ sở yêu cầu của chuyên ngành và chương trình đào tạo. Bà Trần Thị Hà cho rằng đây là một quy định giúp các trường tự chủ và linh hoạt hơn trong quá trình tuyển sinh.
Tuy điểm đầu vào có phần linh hoạt, nhưng những yêu cầu về trình độ ngoại ngữ trong quá trình đào tạo cũng như trước khi bảo vệ luận án sẽ được thắt chặt. Yêu cầu bắt buộc đối với nghiên cứu sinh trước khi trở thành tiến sĩ là phải có một trong các bằng tốt nghiệp ĐH, thạc sĩ hoặc tiến sĩ mà ngôn ngữ sử dụng trong đào tạo là tiếng Anh; có bằng tốt nghiệp ĐH ngành tiếng Anh; chứng chỉ tiếng Anh TOEFL iBT 61 điểm hoặc TOEFL ITP 500 điểm, IELTS 5.0 trở lên; chứng chỉ ngoại ngữ của các trung tâm khảo thí ngoại ngữ trong nước có uy tín...
Cũng theo quy định mới, những quy định chi tiết về văn bằng, ngành học, điểm trung bình chung học tập toàn khóa ở trình độ ĐH hoặc thạc sĩ để được dự tuyển sẽ được hiệu trưởng các trường quyết định. Đối với những chuyên ngành có yêu cầu về kinh nghiệm làm việc, hiệu trưởng nhà trường sẽ quy định cụ thể về thời gian làm việc chuyên môn mà thí sinh cần có trước khi dự tuyển. Nếu không hoàn thành luận án tiến sĩ, người học sẽ phải thực hiện việc hoàn trả học phí đối với nơi đã cấp kinh phí cho quá trình đào tạo.
Sửa đổi quy chế đào tạo thạc sĩ Bộ GD-ĐT vừa ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ (ban hành tháng 8-2008). Theo đó, thay vì chỉ thi tuyển môn ngoại ngữ bằng tiếng Anh, trình độ tương đương TOEFL 400 điểm, hiệu trưởng các trường sẽ quy định môn ngoại ngữ và trình độ ngoại ngữ của người dự tuyển theo từng ngành, chuyên ngành đào tạo trên cơ sở yêu cầu của chương trình đào tạo. Thí sinh thi tuyển đào tạo trình độ thạc sĩ chuyên ngành ngoại ngữ phải dự thi ngoại ngữ thứ hai do hiệu trưởng cơ sở đào tạo quy định. M.An |
Bình luận (0)