Theo cô Nguyễn Thị Hoàng Mai, giáo viên môn ngữ văn - Trường Phổ thông Năng khiếu (ĐHQG TP HCM), về tổng thể có thể nhận định đề ngữ văn khá dễ. Cấu trúc đề quen thuộc, kiến thức vừa phải, nằm trong giới hạn đã được bộ tinh giản.
Đề ngữ văn hay, phù hợp
Cụ thể, vấn đề đặt ra trong phần đọc hiểu và nghị luận xã hội khá hay, phù hợp với nhận thức, trình độ của thí sinh (TS) và cũng rất thực tiễn. Vượt lên hoàn cảnh và biết trân trọng cuộc sống mỗi ngày là điều mà mỗi chúng ta cần phải làm được trong hoàn cảnh nhiều biến động và biến cố như hiện nay. Về câu nghị luận văn học, việc chọn đoạn trích "Đất nước" của Nguyễn Khoa Điềm là đoạn trích được học kỹ trong chương trình, kiến thức liên quan đến đoạn trích không khó nên hầu hết TS sẽ làm được. Chưa kể, đặt ra vấn đề mối quan hệ của mỗi cá nhân với đất nước để từ đó nêu cao ý thức trách nhiệm với đất nước cũng là vấn đề cần thiết trong hoàn cảnh hiện tại. Tuy nhiên, phần trích thơ hơi dài, có thể khiến nhiều em phân tích không hết ý và viết không kịp.
Ở khía cạnh khác, cô Lê Thị Kim Loan, giáo viên môn ngữ văn, Trường Phổ thông Năng khiếu (ĐHQG TP HCM), đánh giá đề cơ bản là dễ, vừa sức TS, nhất là trong tình hình dịch bệnh và không khí lo âu như những ngày vừa qua. Phần đọc hiểu và nghị luận xã hội có yêu cầu rõ ràng và tương đối đơn giản. Phần nghị luận văn học cũng khá dễ nếu TS nắm chắc trọng tâm văn bản. Tuy nhiên, đoạn trích dẫn hơi dài sẽ khiến TS gặp khó khăn ít nhiều trong khâu quản lý thời gian để có bài làm hoàn chỉnh.
Một phụ huynh vui mừng cùng con ra về sau môn thi toán tại điểm thi Trường THPT Lương Thế Vinh - Hà Nội Ảnh: NGÔ NHUNG
"Tôi thích cách đặt vấn đề ngay từ phần đọc hiểu với hình ảnh các loài thực vật. Đoạn trích dẫn bài thơ "Đất nước" với hình ảnh những anh hùng vô danh cũng vậy" - cô Loan nói và cho biết với cách đặt vấn đề này, TS có thể liên hệ với tình hình Việt Nam trong bối cảnh chống đại dịch hiện nay. Đề tuy đơn giản nhưng vẫn có những ý triển khai liên hệ giúp phân loại TS nhất định.
Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết, giáo viên ngữ văn - Hệ thống Giáo dục Học mãi, đánh giá đề thi ngữ văn bảo đảm đúng các yêu cầu về nội dung, hình thức của một đề thi tốt nghiệp. Đề bài không khó nhưng quá dài, đặc biệt là câu nghị luận văn học - câu hỏi chiếm số điểm cao nhất trong bài. Điều đó, có thể khiến TS lúng túng để hoàn thành tốt bài thi. "Ngữ liệu nghị luận theo yêu cầu của đề bài là 27 câu trong phần 3 của đoạn trích "Đất nước", đó là một ngữ liệu quá dài, quá bề bộn trong quỹ thời gian cho phép của toàn bộ đề bài là 120 phút" - tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết nhận xét.
Môn toán sẽ có nhiều điểm 10
Thầy Nguyễn Quốc Chí, giáo viên toán của Trung tâm Giáo dục Tuyensinh247.com, cho rằng đề thi năm nay bám sát đề thi minh họa, dễ hơn so với kỳ thi THPT quốc gia 2019. Tuy nhiên, đề vẫn có tính phân loại cao ở 5 câu cuối. 40 câu đầu tiên, TS có thể làm nhanh và tốt, những câu sau độ khó tăng dần. "Đề thi có ít câu bấm máy tính ra ngay đáp số, đề cũng hạn chế các câu hỏi mà TS có thể làm ngược (thử lại đáp số). Đề thi đòi hỏi TS hiểu bản chất vấn đề thì mới làm tốt được. Với đề thi này, phổ điểm chủ yếu sẽ là 7-8, cao hơn so với năm 2019. Học sinh trung bình được khoảng 7 điểm, học sinh khá được khoảng 8-9 điểm, học sinh giỏi khoảng 9-10 điểm" - thầy Chí dự đoán.
Thầy Ngô Phạm Hưng Thịnh, Tổ trưởng chuyên môn Tổ toán - Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM), nhận định đề khá phù hợp. Đề có cấu trúc giống với đề tham khảo lần 2 mà Bộ GD-ĐT công bố. Cụ thể, đề gồm 11 câu thuộc phạm vi kiến thức lớp 11 tương ứng với 1 điểm, 45 câu kiến thức lớp 12 tương ứng với 9 điểm.
Theo thầy Thịnh, đề thi toán có tính phân hóa từ câu 46-50. Song, những câu này đòi hỏi tính vận dụng cao, tương tự những đề tham khảo mà nhiều trường cho học sinh ôn. Những câu từ 46-50, học sinh khá giỏi mới làm được. Đề toán là đề trắc nghiệm nên có thể sẽ rơi vào tình huống nhiều thí sinh "đánh lụi" nhưng vẫn trúng đáp án. Chính vì thế, theo thầy Thịnh, phổ điểm toán năm nay sẽ ở mức 6-8 là nhiều nhất, điểm 10 cũng sẽ nhiều hơn năm ngoái và điểm chuẩn mà các trường dùng để xét tuyển vào ĐH cũng sẽ cao hơn năm ngoái.
Điểm chuẩn ĐH sẽ cao hơn
Thầy Trần Văn Toàn, Tổ trưởng tổ toán - Trường THPT Marie Curie (quận 3, TP HCM), nhận xét đề thi không bất ngờ với giáo viên và TS vì tương tự đề thi minh họa mà Bộ GD-ĐT đã công bố trước đó. Theo thầy Toàn, phổ điểm năm nay sẽ ở mức 7,5 điểm là chủ yếu. Số TS đạt điểm 9 trở lên không dễ nhưng điểm 10 sẽ nhiều hơn năm ngoái. Do vậy, điểm chuẩn xét tuyển của các trường ĐH sẽ cao hơn năm ngoái.
BÊN LỀ:
Phó chủ tịch xã đi thi
Tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, một TS đặc biệt là ông Nguyễn Thanh Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Cửa Cạn, dự thi tốt nghiệp THPT tại hội đồng thi số 54 ở Phú Quốc. Ông Hòa cho biết ông chỉ có bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên ngành quân sự, chưa có bằng tốt nghiệp THPT nên phải đi thi để bổ sung hồ sơ.
Tại Hậu Giang, mặc dù bị tai nạn giao thông cách nay một tuần khiến chân bị gãy 2 khúc và được phẫu thuật bắt vít nhưng ngày 9-8, TS Lê Trọng Nghĩa vẫn được người thân đưa đến điểm thi Trường THPT Vị Thanh (TP Vị Thanh) để dự thi. Nghĩa cho biết mình cố gắng dự thi để lấy điểm thi xét tuyển ngành công nghệ ôtô, hệ CĐ.
C.Tuấn - H.Tuấn
Cán bộ hỗ trợ viết lại bài cho TS đặc biệt
Sở GD-ĐT TP Cần Thơ cho biết kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, em P.A.H (học sinh lớp 12, Trường THPT Phan Ngọc Hiển), không thể tự viết bài nên sở đã gửi văn bản hướng dẫn điểm thi hỗ trợ do TS bị tai nạn gãy tay khiến cử động tay còn hạn chế.
Theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT, Trưởng điểm thi Trường THPT Phan Ngọc Hiển bố trí cho TS này thi tại phòng thi riêng, bảo đảm không có kết nối internet, camera, cách âm với các phòng thi khác. Đồng thời, bố trí một cán bộ hỗ trợ viết lại bài làm theo lời đọc của TS. Cán bộ hỗ trợ không là giáo viên giảng dạy hoặc không có chuyên môn liên quan đến bài thi, có chữ viết dễ đọc, tốc độ viết nhanh. Trong quá trình thi phải ghi âm và quay hình TS, sau khi kết thúc bài thi, đóng gói và niêm phong máy ghi âm, ghi hình bàn giao cho trưởng điểm thi.
Trong buổi thi môn toán chiều 9-8, 1 TS của Trường THPT Lương Định Của (quận Ô Môn) bị tai nạn giao thông trên đường đi thi nên phải nhập viện. Vì vậy, TS trên không dự thi môn toán. Cũng ở buổi thi môn toán, tại Cần Thơ có 10.574 TS dự thi, vắng 22 em. Ngoài ra, Cần Thơ có 1 TS vi phạm quy chế thi.
C.Linh
Quảng Nam: TS bỏ thi khá nhiều
Theo báo cáo của Hội đồng Thi số 34 tỉnh Quảng Nam, tại buổi thi môn ngữ văn - môn thi đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 vào sáng 9-8, tại Quảng Nam có 7.434 TS đăng ký dự thi. Tuy nhiên, số TS có mặt dự thi là 7.187, vắng 247 TS. Trong đó, 1 TS bị bệnh bình thường không phải do Covid-19, 117 TS các trường báo cáo do đang ở trong vùng cách ly xã hội, số còn lại chưa rõ lý do. Môn toán vào chiều cùng ngày, Quảng Nam có 7.533 TS dự thi nhưng chỉ 7.269 TS có mặt. Số TS vắng mặt là 264 (gồm 1 bệnh bình thường không phải do Covid-19, 169 trường hợp đang ở trong vùng cách ly theo Chỉ thị 16, còn lại chưa rõ lý do).
Theo ghi nhận, ngày thi đầu tiên ở tỉnh Quảng Nam diễn ra an toàn, nghiêm túc, không có TS vi phạm quy chế thi, không xảy ra sự cố. TS và cán bộ coi thi đến trường đều được đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn...
Tr.Thường
Bình luận (0)