Ngày 15-6, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức Hội nghị về công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 giữa Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia và Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Tránh để ra sai sót
Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho biết năm nay có 1.024.063 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, 37.841 thí sinh tự do, chiếm 3,69% tổng số thí sinh; 968.160 thí sinh đăng ký trực tuyến, chiếm 95% tổng số thí sinh. Tổng số thí sinh đăng ký miễn thi ngoại ngữ là 46.670 thí sinh, chiếm 4,55% tổng số thí sinh. Ban Chỉ đạo cấp quốc gia đã phân công nhiệm vụ 4 đoàn của Ban Chỉ đạo cấp quốc gia và lãnh đạo bộ làm việc với ban chỉ đạo và lãnh đạo các địa phương về công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Cùng với đó là thành lập 10 đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại 20 địa phương.
Liên quan đến ra đề thi, Bộ GD-ĐT đã ban hành hướng dẫn quy trình ra đề thi bảo đảm xuất ngẫu nhiên các tổ hợp câu hỏi từ ngân hàng câu hỏi thi để thực hiện soạn thảo, thẩm định, tinh chỉnh đề thi, đáp án…
Năm nay, Bộ GD-ĐT tiếp tục sử dụng phần mềm chấm thi trắc nghiệm phiên bản đã cung cấp cho các Sở GD-ĐT năm 2022. Gần 8.000 cán bộ, viên chức các cơ sở giáo dục đại học đã được huy động để tổ chức 63 đoàn kiểm tra công tác coi thi của bộ và 63 đoàn kiểm tra công tác chấm thi của bộ tại 63 sở GD-ĐT.
Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT Nguyễn Đức Cường cho hay thanh tra bộ tiếp tục thanh tra, kiểm tra tại các địa phương, phối hợp chặt chẽ với thanh tra tỉnh tại các địa phương để bảo đảm an toàn, chặt chẽ, cẩn trọng ở tất cả các khâu. Phải bảo đảm các khâu của kỳ thi đều được kiểm tra. Cán bộ nào không tham gia tập huấn thì không được tham gia vào kỳ thi. Cán bộ phải được tập huấn đầy đủ, hiểu công việc được giao, được làm.
Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, đại diện Bộ Công an, cho biết Bộ Công an đã triển khai, thực hiện nghiêm túc đồng bộ từ trung ương đến địa phương các công tác chuyên môn, nghiệp vụ để phục vụ, bảo đảm an toàn, an ninh cho toàn kỳ thi, tránh để xảy ra bất cứ sai sót nào.
Bộ Công an cũng đã phối hợp với các đơn vị chức năng để kiểm tra, đánh giá an toàn trong các khâu của kỳ thi, đặc biệt là sử dụng công nghệ thông tin phục vụ kỳ thi. Ngoài ra, Bộ Công an cũng tiến hành rà soát các thông tin trên mạng, xử lý những thông tin sai lệch liên quan, ảnh hưởng đến an ninh, an toàn của kỳ thi.
Đối với các thiết bị gian lận trong kỳ thi, đặc biệt là thiết bị công nghệ cao, Bộ Công an đã thực hiện rà soát, phát hiện và xử lý những hành vi mua bán các thiết bị ghi âm, ghi hình, gian lận thi cử. Để bảo đảm an toàn, an ninh tuyệt đối, Bộ Công an tiếp tục tập huấn, lưu ý với cán bộ tại các điểm thi về thiết bị ghi âm, ghi hình, thiết bị lưu trữ tại các điểm thi, tránh xảy ra những sai sót không đáng có.
Đoàn công tác của Bộ GD-ĐT đi kiểm tra công tác thi tốt nghiệp THPT tại tỉnh Bắc Giang
Địa phương phải chuẩn bị chu đáo
"Có thể nói, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được thực hiện hết sức nghiêm túc theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần chủ động, khẩn trương, kỹ lưỡng, chu đáo, toàn diện, hướng tới kỳ thi an toàn, nghiêm túc, công bằng, khách quan, đúng quy chế" - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng nói.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh kỳ thi năm nay học sinh thi theo chương trình giáo dục phổ thông cũ - chương trình 2006, với chương trình và sách giáo khoa cũ, song tinh thần đổi mới đang trong thời điểm thực hiện ở tất cả các lớp, các chương trình, chứ không chỉ là thi theo chương trình cũ. Kỳ thi năm nay có một vài điểm mới, điều chỉnh, cho nên các yêu cầu đối với việc tập huấn, quán triệt thực hiện phải được chuẩn bị rất chu đáo.
Người đứng đầu ngành giáo dục cũng bày tỏ mong muốn lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong cả nước đang đóng vai trò là trưởng ban chỉ đạo thi cấp tỉnh phát huy hết tinh thần trách nhiệm, hoàn thành thật tốt nhiệm vụ được phân cấp, phân quyền. Bộ trưởng lưu ý ban chỉ đạo địa phương cần có sự ưu tiên chuẩn bị về phương diện kỹ thuật, trang thiết bị cho kỳ thi.
"Năm nào chúng ta cũng lưu ý, thận trọng nhưng thực tế cho thấy đôi khi chỉ trang thiết bị chưa tốt sẽ dẫn đến hệ quả. Chúng ta rút kinh nghiệm ngay kỳ thi lớp 10 vừa rồi của một địa phương đề chỉ mờ một chút thôi đã phát sinh nhiều vấn đề phải xử lý. Do đó, cần ưu tiên trang thiết bị tốt nhất. Dù vậy, sự kiểm tra của con người, yếu tố con người thận trọng cũng là rất cần thiết. Ưu tiên thiết bị, con người quan tâm phối hợp - các điều đó mới bảo đảm được an toàn" - Bộ trưởng chỉ đạo.
Đối với việc in sao, vận chuyển đề thi, bảo quản, vận chuyển, giao nộp bài thi, bộ trưởng mong các địa phương lên nhiều phương án, đề phòng trường hợp có thời tiết bất thường, thiên tai và mong các đơn vị của Bộ Công an sẽ phối hợp tốt trong cả khâu đề thi và bài thi.
Công nhận chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế hiệu lực đến ngày 27-6
Ngày 15-6, ông Huỳnh Văn Chương đã ký công văn cho phép thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT 2023 được sử dụng chứng chỉ năng lực ngoại ngữ quốc tế cấp sau ngày 10-9-2022 để xét miễn bài thi ngoại ngữ theo quy chế thi.
Như vậy, tất cả thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế còn hiệu lực đến ngày 27-6-2023 đều được quy đổi tính điểm 10 môn tiếng Anh khi xét tốt nghiệp THPT.
Thông báo đưa ra trong bối cảnh nhiều thí sinh bức xúc về quy định hôm 9-6 của Bộ GD-ĐT yêu cầu các địa phương không chấp nhận xét, miễn thi với học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế cấp trong khoảng từ ngày 10-9 đến 11-11-2022.
L.Anh
Bình luận (0)