xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thi tốt nghiệp THPT môn ngữ văn: Bám sát chủ đề đất nước

Lan Anh - Huy Lân - Đặng Trinh

Những đổi mới của đề thi môn ngữ văn khiến môn này được quan tâm bậc nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Các giáo viên giàu kinh nghiệm chia sẻ một số lưu ý để thí sinh tự tin bước vào kỳ thi

Với việc đổi mới cách thức ra đề thi và rút ngắn thời gian xuống còn 120 phút, dù đã sát ngày thi tốt nghiệp THPT nhưng cả giáo viên và thí sinh đều khá lo lắng với môn ngữ văn.

Không nên quá lo lắng

Cô Vũ Thị Bình, tổ phó tổ văn Trường THPT Trần Phú (Hà Nội), cho rằng đề thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ mang tính tổng quát, kiểm tra kiến thức toàn diện nên giáo viên của trường chỉ biết nhắc nhở học sinh ôn luyện tất cả bài văn, bài thơ của chương trình sách giáo khoa THPT.

Học sinh Trường THPT Thái Bình (TP HCM) ôn thi môn ngữ văn Ảnh: TẤN THẠNH
Học sinh Trường THPT Thái Bình (TP HCM) ôn thi môn ngữ văn Ảnh: TẤN THẠNH

Trong khi đó, rất nhiều học sinh bày tỏ sự lo lắng với môn thi này. “Không biết bài kiểm tra kỹ năng đọc - hiểu có thể ra ngoài sách giáo khoa có quá sức với bọn em hay không vì thời gian làm bài giảm từ 150 phút còn 120 phút” - một học sinh Trường THPT Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội băn khoăn.

Trước lo lắng của học sinh, cô Nguyễn Kim Anh, giáo viên môn ngữ văn Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), nhận định với phần đọc hiểu, thí sinh không nên quá lo sợ, chỉ cần thể hiện được nội dung chính của văn bản là có điểm. Người ra đề sẽ không đưa những câu đánh đố. Đề sẽ ra ở mức vừa phải, chỉ cần giữ được bình tĩnh thì thí sinh sẽ làm được bài.

Về kỹ năng, cô Nguyễn Kim Anh cho rằng thí sinh phải xác định vấn đề, trả lời câu nào trúng câu nấy, có khi chỉ là một dòng. Quan niệm viết dài là có điểm hoàn toàn sai lầm. Không nên viết dẫn giải dài dòng vì sẽ làm cho người chấm bài khó nhặt điểm, thậm chí khiến thí sinh bị “lạc”. Đọc hiểu nhanh gọn, chính xác, viết ngắn là tốt nhất.

Cô Nguyễn Thị Hoàng Mai, giáo viên Trường Phổ thông Năng khiếu - ĐHQG TP HCM, cho rằng theo tinh thần đổi mới, có thể đề sẽ chỉ cho 1 câu thay vì 2 câu để thí sinh lựa chọn. Thí sinh hãy cứ bình tĩnh vì dù đổi mới, đề cũng sẽ không ra những gì ngoài kiến thức mà các em đã được học. Để làm được đề thi tốt nghiệp THPT, thí sinh hãy đọc kỹ văn bản, gạch dưới những từ hoặc cụm từ quan trọng. Hãy đặt ra những câu hỏi và tìm câu trả lời. Những câu hỏi cần đặt ra như: Văn bản này viết về nội dung gì? Tác giả muốn nói điều gì?...

Bộc lộ lòng yêu nước bằng lý trí

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết có thể sẽ ra 1 câu phần nghị luận văn học, 1 câu phần nghị luận xã hội. “Thí sinh khi làm nghị luận xã hội phải kết hợp nghị luận văn học để liên hệ với những nhân vật văn học mang phẩm chất ấy. Nếu làm nghị luận văn học thì cũng phải mở rộng ra nội dung nghị luận xã hội” - cô Kim Anh nhấn mạnh.

Các giáo viên cho rằng những vấn đề mang tính thời sự như tình hình biển đảo và chủ quyền của đất nước có thể sẽ xuất hiện trong đề thi dưới dạng đề văn nghị luận xã hội hoặc tích hợp giữa đề nghị luận văn học và nghị luận xã hội.

Theo cô Hoàng Mai, ở dạng đề gắn liền với các vấn đề mang tính thời sự, thí sinh nên ôn kỹ các tác phẩm như Đất nước của Nguyễn Đình Thi và Nguyễn Khoa Điềm, Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi, Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành… Ví dụ: Từ những câu thơ trong đoạn trích Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm, em hãy trình bày những suy nghĩ và nhận thức của mình về trách nhiệm và ý thức của giới trẻ hiện nay trước các vấn đề của đất nước? Với dạng đề này, thí sinh hãy bắt đầu bằng việc phân tích thơ, từ đó nêu lên những suy nghĩ của mình.

Cô Nguyễn Kim Anh cũng lưu ý thí sinh xu hướng kết hợp vừa nghị luận văn học vừa nghị luận xã hội. Ví dụ: Phân tích một đoạn thơ trong bài Tây tiến (Quang Dũng) và suy nghĩ của em về lòng yêu nước trong thời nay. Trong trường hợp này, thí sinh cần hết sức tỉnh táo, phân tích văn học trước, sau đó mới nói đến cuộc đời, liên hệ thực tế.

“Theo tôi, dù đề thi có ra vấn đề biển đảo hay chỉ nói về lòng yêu nước thì học sinh cũng phải có những kiến thức về biển đảo để đưa vào. Tuy nhiên, hãy bộc lộ lòng yêu nước trong bài văn một cách lịch sự, có văn hóa, có lý trí chứ đưa vào bài thi những lời quá khích thì sẽ bị mất điểm” - cô Kim Anh khuyên.

Môn vật lý: Làm lý thuyết trước

Trước hết, phải đọc tổng quát thật nhanh cả đề và tô sẵn những câu lý thuyết mà các em biết chắc chắn đúng. Những câu tìm phát biểu sai thì tô lên chữ sai để sau đó coi lại cho chắc. Sau đó, nên làm lý thuyết trước (chiếm khoảng trên 40%). Phần bài tập vì có nhiều mã đề, câu nào làm nhanh, chắc đúng thì làm trước, tô luôn trên đáp án. Các câu cần tính toán qua 2, 3 giai đoạn thì làm sau. Đừng mất tinh thần khi gặp 2, 3 câu đầu tiên khó.

Trần Quang Phú (giáo viên Trường THPT Phú Nhuận, TP HCM)

Môn sử: Bảo đảm đủ ý

Để làm bài tốt môn sử, các em cần xác định kỹ (đề hỏi vấn đề gì, khoảng thời gian nào…) để tránh lạc đề. Sau đó, vạch sẵn các ý sơ lược để kiểm soát đủ các ý và làm bài. Cần phân bổ thời gian hợp lý. Viết bài phải theo trình tự thời gian, các mốc sự kiện, trình bày ngắn gọn, đủ ý, tránh lan man.

Cái khó của môn này là nhiều sự kiện với nhiều mốc thời gian nên các em cần phải biết liên kết, xâu chuỗi sự kiện thành hệ thống và liên hệ với những mốc thời gian gần với mình cho dễ nhớ.

Bùi Thị Thùy Linh (giáo viên Trường THPT Trần Khai Nguyên, TP HCM)

Môn tiếng Anh: Chọn cách viết đơn giản

Phần trắc nghiệm: Gạch dưới những từ/ cụm từ quan trọng để chọn đáp án hợp lý; câu dễ làm trước, câu khó đánh dấu hỏi ở đầu câu để làm lại sau, tuyệt đối không được bỏ trống câu nào; tô vào phiếu trả lời đậm và rõ; lưu ý tô số báo danh và mã đề như quy định. Phần tự luận: Lưu ý viết đúng chính tả và ngữ pháp; nếu câu có nhiều cách viết thì lựa chọn cách nào đơn giản và chắc chắn hơn; lưu ý dấu câu; nếu có viết đoạn văn ngắn thì phải lập dàn ý như đã được hướng dẫn, phải lựa chọn những từ/ câu đơn giản, không viết những cấu trúc cầu kỳ, phức tạp.

Lưu Vạn Phước (giáo viên Trường THPT Nhân Việt, TP HCM)

Môn địa: Đi vào ý chính

Đối với môn địa, thí sinh phải lưu ý viết chữ, số rõ ràng để tránh nhầm lẫn. Cần chia thời gian cụ thể cho từng câu. Cần làm dàn bài cho các ý chính để trong quá trình viết nếu có nảy sinh ý mới thì có thể bổ sung đúng lúc, đúng chỗ (tránh tình trạng bổ sung sau này rất dễ bị chấm sót). Có thể gạch đầu dòng ở các ý chi tiết hoặc phân ra các mục 1, 2, a, b…; tránh viết dài dòng lê thê không cần thiết.

Vũ Như Thiên Hương

(giáo viên Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TP HCM)

Môn toán: Cẩn thận phép toán đơn giản

Nên ôn kỹ phần hàm số: vẽ đồ thị, phương trình tiếp tuyến và tính diện tích giới hạn. Khi giải phương trình logarit nên lưu ý điều kiện (học sinh thường hay quên), giải phương trình mũ chỉ đặt điều kiện khi sử dụng phương pháp đặt ẩn phụ. Về phần tính tích phân, học sinh phải nắm vững các công thức nguyên hàm. Riêng lượng giác, phải nắm vững công thức nguyên hàm và đạo hàm, tránh nhầm lẫn khi làm bài. Đối với phần hình học, phải nắm được các kỹ năng xác định góc, khoảng cách, các công thức liên quan.Về bài tập số phức, nắm được các ký hiệu và cẩn thận với các phép toán vốn được xem là đơn giản.

Nguyễn Tấn Kiệt (giáo viên toán Trường THPT Nhân Việt, TP HCM)

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo