Theo đó, việc tổ chức kỳ thi sau năm 2020 cơ bản ổn định như hiện nay. Phương án tổ chức kỳ thi năm 2021 không có thay đổi so với năm 2020 cả về số môn thi, phạm vi kiến thức, cách thức tổ chức.
Theo PGS-TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 là tổng hợp những ưu điểm rút ra từ các kỳ thi trong 6 năm qua. Ông Trinh cho rằng kết quả trên là căn cứ quan trọng để Bộ GD-ĐT tiếp tục giữ nguyên phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Tới năm 2025-2026 mới có lứa học sinh đầu tiên học chương trình giáo dục phổ thông mới thi tốt nghiệp, vì vậy, cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cho rằng với những kết quả đã đạt được ở kỳ thi năm 2020, nên giữ ổn định tới năm 2025.
Ông Trinh nói thêm kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 được tổ chức với mục đích xét tốt nghiệp, làm cơ sở để đánh giá chất lượng và điều chỉnh việc dạy học phổ thông nhưng vẫn cung cấp kết quả hỗ trợ các cơ sở đào tạo tuyển sinh. Kỳ thi vẫn có 5 bài thi như năm 2020, do Bộ GD-ĐT ra đề thi thống nhất trên toàn quốc, nội dung thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12. Các bài thi gồm 3 bài độc lập (toán, ngữ văn, ngoại ngữ), 1 trong 2 bài tổ hợp khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học) hoặc khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân đối với thí sinh THPT và lịch sử, địa lý đối với thí sinh giáo dục thường xuyên). Tuy nhiên, ông Mai Văn Trinh cho biết năm tới, ngân hàng câu hỏi thi sẽ được chuẩn hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin ở các khâu của kỳ thi.
Một điểm đáng chú ý là trong kỳ thi năm 2021, thí sinh vẫn làm bài trên giấy, tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ tính toán lộ trình để từng bước tiến hành thử nghiệm việc tổ chức thi trên máy tính ở những nơi có đủ điều kiện.
Ông Mai Văn Trinh cho hay sẽ ban hành quy chế tổ chức thi trên máy tính, chuẩn bị cơ sở vật chất, phần mềm quản lý thi, đào tạo, tập huấn cán bộ, chuẩn bị tâm lý cho giáo viên phổ thông và học sinh. Khi có đủ điều kiện để triển khai sẽ phải thử nghiệm và mở rộng dần ở những địa phương có đủ điều kiện. Việc tổ chức thi trên máy tính sẽ phải bảo đảm trung thực, bình đẳng giữa học sinh ở các vùng miền khác nhau. Đặc biệt, các quy định đặt ra không đột ngột, không gây sốc cho giáo viên, học sinh.
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), cho rằng hằng năm tỉ lệ tốt nghiệp của thí sinh đều rất cao chính là bởi sự thiếu trung thực trong đánh giá của thầy cô ở nhà trường. Theo quy định hiện hành, kết quả ở học bạ lại chiếm 30% trong tổng số điểm tốt nghiệp THPT. Chính vì vậy, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ đề xuất chỉ sử dụng kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT, không kết hợp sử dụng kết quả học tập lớp 12 của thí sinh như trước đây. Tuy nhiên, vấn đề này sẽ được quyết định sau năm 2021.
Liên quan đến tuyển sinh ĐH, CĐ, Bộ GD-ĐT khẳng định sẽ thực hiện quyền tự chủ. Các trường ĐH tiếp tục sử dụng các phương thức tuyển thẳng theo các điều kiện được quy định như xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT, từ kết quả học tập THPT (điểm học bạ), từ điểm thi do các trung tâm khảo thí có uy tín được bộ công nhận hoặc do tổ chức khảo thí uy tín của nước ngoài đánh giá và kết hợp giữa các phương thức trên.
Theo Bộ GD-ĐT, các cơ sở giáo dục ĐH, CĐ ngày càng có sự chuyển biến tích cực trong tự chủ tuyển sinh. Các phương thức xét tuyển theo tiếp cận quốc tế, như sử dụng các chứng chỉ chuẩn quốc tế, kết quả bài thi đánh giá năng lực... ngày càng nhiều lên trong khi tỉ lệ tuyển sinh dựa vào kết quả thi THPT giảm đi.
Bình luận (0)