xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thi tốt nghiệp THPT: Quan trọng là chất lượng

Nhóm Phóng viên giáo dục

Hiệu trưởng nhiều trường THPT ở TP HCM nêu quan điểm tốt nhất nên duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT và dùng kết quả này để tuyển sinh ĐH, CĐ

Ngày 1-8, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Vinh Hiển đã gặp gỡ báo chí và khẳng định ý kiến của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đề nghị bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT là một gợi ý để xem xét, nghiên cứu nhưng trước mắt, Bộ GD-ĐT vẫn tiếp tục tổ chức kỳ thi này.

img
Một buổi thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013 tại TP HCM Ảnh: Tấn Thạnh

Năm nào cũng có sự cố

Trước đó đã có nhiều ý kiến đề xuất tương tự xuất phát từ thực trạng và chất lượng các kỳ thi tốt nghiệp THPT trong những năm qua.

Năm 2006 là năm mà kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra rất lộn xộn ở nhiều địa phương. Đỉnh điểm là giám thị Đỗ Việt Khoa quay clip, tố cáo tiêu cực và được dư luận xã hội ủng hộ. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT lúc đó là ông Nguyễn Thiện Nhân đã phát động phong trào “hai không” - nói không với bệnh thành tích và tiêu cực trong thi cử, để rồi kỳ thi năm 2007, Bộ GD-ĐT đã huy động gần 6.000 thanh tra ủy quyền là giảng viên các trường ĐH, CĐ phục vụ kỳ thi. Chính quyết tâm này đã đưa đến một kỳ thi nghiêm túc thực sự. Hơn 2.500 thí sinh vi phạm quy chế thi (cao gấp 8 lần so với kỳ thi năm trước); 12 tỉnh, thành có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp giảm rất sâu, thậm chí xuống dưới 50% như Bắc Kạn chỉ còn 20% (năm 2006 là 94%), Nghệ An 44% (năm 2007 là 96%), Hà Tây 57% (năm 2007 là 99%)… Trong kỳ thi này, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp chỉ 66% (năm 2006 là 94%).

Điều đáng tiếc là những năm tiếp theo, tỉ lệ tốt nghiệp cứ tăng dần đều và đến năm 2012 thì tiệm cận tỉ lệ gần 100%, năm 2013 có giảm nhưng vẫn còn rất cao. Ngoài ra, gần như kỳ thi năm nào cũng có sự cố. Điển hình như vụ tiêu cực ở Hội đồng thi Trường Phổ thông Dân lập Đồi Ngô (tỉnh Bắc Giang, năm 2012), vụ các tỉnh ĐBSCL bắt tay nhau trong việc chấm thi các môn tự luận (năm 2011)… Đáng nói là những tiêu cực nổi cộm ấy đã không được Bộ GD-ĐT xử lý đến nơi đến chốn, làm “lờn thuốc”.

Nhưng vẫn không nên bỏ

Thực trạng trên cho thấy việc tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT đối với Bộ GD-ĐT là quá khó khăn. Ngay cả kỳ thi năm 2013, bộ rất muốn tổ chức nghiêm túc khi đưa ra nhiều biện pháp như cho thí sinh mang máy ghi âm, ghi hình (không có chức năng nhận tín hiệu) vào phòng thi; đích thân bộ trưởng Bộ GD-ĐT cầm một nhánh của đường dây nóng… nhưng “phao” vẫn đầy phòng thi và “nảy” ra vụ tiêu cực ở Hội đồng thi Trường THPT Quang Trung, TP Hà Nội mà nguyên nhân chính là do giám thị thiếu trách nhiệm.

Một kỳ thi quốc gia phải huy động hàng trăm ngàn lượt giám thị, cán bộ cho công tác tổ chức thi là rất tốn kém. Nếu tính bình quân chi phí ngân sách cho mỗi thí sinh khoảng 200.000 đồng (chưa tính chi phí của phụ huynh) thì với 946.000 thí sinh dự thi ở kỳ thi năm 2013, kinh phí này lên tới gần 200 tỉ đồng. Tốn kém như vậy mà chỉ để loại 1%-2% thí sinh không đạt thì quả là cần xem lại.

Tuy vậy, bỏ một kỳ thi mang tính truyền thống đâu phải là chuyện dễ. GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng không nên bỏ kỳ thi này mà nên tổ chức nhẹ nhàng hơn, không nặng nề như hiện nay. Theo Luật Giáo dục thì đến năm 2015 không còn kỳ thi chuyển cấp ở bậc tiểu học, THCS, chỉ còn duy nhất kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nếu bỏ kỳ thi này sẽ rất khó kiểm soát chất lượng dạy và học.

Học và thi sao cho đúng thực chất

Hiệu trưởng nhiều trường THPT tại TP HCM cũng đồng ý quan điểm cho rằng việc duy trì kỳ thi là cần thiết để đánh giá chất lượng học sinh. Theo ông Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt, học sinh đã 18 tuổi cũng cần một chứng nhận để vào đời, vấn đề là phải tổ chức kỳ thi nghiêm túc.

Ông Nguyễn Văn Cải, Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung, nói: “Tổ chức hay bỏ kỳ thi này không quan trọng mà quan trọng là việc tổ chức như thế nào để học cho ra học, thi cho ra thi. Nếu tổ chức nghiêm túc, kết quả thực chất thì nên duy trì để học sinh có động cơ học tập nghiêm túc, giáo viên cũng dạy tốt hơn. Thực tế cho thấy do bỏ kỳ thi tốt nghiệp THCS mà ở một số địa phương không thi tuyển lớp 10, chỉ xét tuyển thì chất lượng học tập sa sút”.

Còn theo bà Lê Thúy Hòa, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thái Bình, thì nên gộp kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH, CĐ làm một kỳ thi chung. Chỉ cần một kỳ thi được tổ chức nghiêm túc là đủ để xét tuyển vào ĐH. Những học sinh không đậu ĐH, CĐ sẽ được cấp chứng nhận hoàn thành chương trình THPT.

Xét tốt nghiệp thì học sinh không chịu học

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng nên giữ kỳ thi này vì dù sao với 95%-98% thí sinh đỗ tốt nghiệp còn hơn áp dụng phương thức xét cho đỗ, nếu xét tốt nghiệp thì sẽ có một bộ phận học sinh không chịu học. Đó là thực trạng. Ngay cả việc công bố 6 môn thi phụ trước mỗi kỳ thi tốt nghiệp THPT, bộ cũng không công bố sớm vì lo các em học lệch. Dù vậy, hiện tượng học lệch chỉ để thi ĐH vẫn xảy ra ở rất nhiều trường, làm chệch hướng đào tạo ở bậc phổ thông.

“Đã học là phải có kiểm tra, đánh giá. Tôi không cho việc bỏ kỳ thi tốt nghiệp là đúng, quan trọng là phải cải tiến cho hợp lý” - TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, TP Hà Nội, nhấn mạnh.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo