Theo thầy Lê Thanh Tùng, giáo viên (GV) tiếng Anh thuộc Hệ thống Giáo dục One Thousand Plus, muốn việc kiểm tra, đánh giá trực tuyến được công bằng giữa các trường và học sinh (HS), không còn cách nào khác là chú trọng khâu đề thi.
Cần tính toán lại cách ra đề
Cụ thể, theo thầy Tùng, đề thi phải hết sức khách quan, đề không nên ở mức độ quá khó vì HS học online, lượng kiến thức tiếp thu không tốt như học trực tiếp, tuy nhiên cũng không được quá dễ, vì phải bảo đảm tính công bằng giữa HS các trường với nhau. Do đó nên sớm thống nhất một ma trận đề thi cho kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ cho tất cả các sở.
Một giờ học trực tuyến của học sinh TP HCM.(Ảnh: ĐẶNG TRINH)
Khi đó nội dung yêu cầu với HS sẽ tương đương nhau ở các trường. Riêng đối với các khối lớp cuối cấp có thể cho đề thi theo ma trận 80% - 85% ở mức độ nhận biết, thông hiểu; 15% - 20% là mức độ vận dụng; các khối lớp còn lại ma trận nên là 100% mức độ nhận biết, thông hiểu. Đề thi phải bảo đảm ra đúng nội dung các em HS được học, không ra những nội dung đã được giảm tải. Đồng thời, GV phải luôn có đề dự phòng, phòng khi gặp trục trặc về mặt kỹ thuật và đề dự phòng phải bảo đảm tương đương với đề chính thức về nội dung, hình thức, độ khó...
Cô Lê Thị Ngọc Kim, tổ trưởng tổ lịch sử Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1), cho rằng khi thiết kế một đề thi trong bối cảnh dạy học trực tuyến, đối với phần lý thuyết, GV không nên yêu cầu trình bày lại toàn bộ lý thuyết đã học. Hãy bắt đầu từ thực tế dựa trên các hiện tượng lý thuyết đó. Đối với phần bài tập, cần cố gắng phân loại HS trong các bài giảng, thông qua tương tác trực tiếp với HS trong tiết học, từ đó xây dựng đề riêng cho từng đối tượng HS. "Cách này tuy mất thời gian nhưng các nền tảng online sẽ hỗ trợ GV rất nhanh" - cô Kim nói.
Giám sát chặt khi kiểm tra
Tại TP HCM, việc kiểm tra cuối kỳ I theo lãnh đạo các trường THPT sẽ diễn ra vào tháng 12. Thầy Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3), cho biết việc kiểm tra trực tuyến giữa kỳ tại trường được thực hiện đồng loạt ở các khối lớp, mỗi trường sẽ tự ra ma trận đề, có sự kiểm tra, giám sát của các tổ chuyên môn và ban giám hiệu. Tuy nhiên, có một khó khăn là hệ thống mạng chập chờn do nhiều HS phải cùng truy cập một thời điểm. Riêng với kiểm tra cuối kỳ, có thể sẽ chia theo từng nhóm lớp, những em theo ban nào sẽ kiểm tra riêng ban đó.
Tại Hà Nội, trong khi nhiều trường còn đang loay hoay với việc kiểm tra đánh giá trực tuyến thì bài kiểm tra giữa kỳ của Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành (quận Cầu Giấy) được phụ huynh đánh giá là nghiêm túc, chặt chẽ như bài kiểm tra trực tiếp tại trường. Ở đợt kiểm tra giữa kỳ, các môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân, công nghệ, tin học… được kiểm tra như bài một tiết đơn giản, trong khi các môn toán, ngữ văn, Anh văn (bậc THCS) và toán, ngữ văn, Anh văn, vật lý, hóa học (bậc THPT, tùy từng ban) được kiểm tra tập trung trên nền tảng Microsoft Teams. Các môn toán, vật lý, hóa học, tiếng Anh được thiết kế theo hình thức thi trắc nghiệm 100%, môn ngữ văn thi trắc nghiệm 30%, tự luận 70%.
Lãnh đạo Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành cho hay nhà trường đã quán triệt đến HS về tinh thần nghiêm túc của kỳ thi. Mọi vi phạm quy chế đều được xử lý như kiểm tra trực tiếp ở trường. HS phải chuẩn bị các dụng cụ học tập, đường truyền cũng như máy tính và camera, trong thời gian làm bài không được ra khỏi vùng quan sát của camera.
Trong khi các môn trắc nghiệm HS làm bài trên máy thì môn tự luận HS làm bài trên giấy, sau đó chụp lại các trang bài thi và chuyển thành file pdf để gửi cho GV. Mỗi giám thị giám sát một phòng thi 24 HS, 3 phòng thi lại có thêm một giám sát. Ngoài ra còn có thêm một đội trợ giúp về kỹ thuật là GV của tổ tin học sẵn sàng hỗ trợ nếu HS gặp khó khăn về máy móc.
Cần sự quản lý thống nhất
Một GV Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh, TP HCM) cho biết hiện nay việc tổ chức kiểm tra đánh giá cuối kỳ do các trường chủ động. Chính vì thế, sẽ khó có thể đạt được sự đánh giá công bằng giữa các trường, nhất là trong bối cảnh HS có thể dùng điểm học bạ để xét tuyển ĐH như hiện nay. Trong bối cảnh dạy và học online, thực tế từ thầy đến trò đều lúng túng trong khâu kiểm tra đánh giá. Do đó cần một sự quản lý thống nhất nhằm bảo đảm HS được đánh giá đúng với năng lực của các em.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)