Thí sinh thi vào lớp 10 của TPHCM sau buổi thi môn văn sáng 21-6. Ảnh: Tấn Thạnh
Thói vô cảm vào đề thi
Sự thờ ơ và vô cảm - hiện tượng được cho là khá phổ biến - đã được Sở GD-ĐT TPHCM đưa vào đề thi môn ngữ văn. Câu hỏi dạng nghị luận xã hội được nhiều thí sinh cho là thú vị vì nó thuộc về vấn đề đạo đức của một bộ phận giới trẻ.
Thí sinh Phương Anh, học sinh Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (quận 1), cho biết: “Văn nghị luận xã hội là dạng đề mở để thí sinh được nói lên suy nghĩ. Thật bất ngờ khi đề tuyển sinh lớp 10 đề cập hành động thờ ơ và vô cảm. Thờ ơ và vô cảm cần phê phán nhưng trong cuộc sống hằng ngày, bản thân em cũng ít nghĩ đến. Qua đề thi này, em cũng như các bạn có dịp để suy nghĩ và nói lên quan điểm của mình”. Còn thí sinh Thủy Trúc, học sinh Trường THCS Minh Đức (quận 1), nói qua đề thi này em có dịp chiêm nghiệm bản thân để có hiếu hơn, có trách nhiệm với cha mẹ hơn.
Thí sinh Thanh Vũ, học sinh Trường THCS Minh Đức, cùng một số thí sinh khác cho biết đề thi môn ngữ văn yêu cầu thí sinh hiểu bài chứ không yêu cầu thuộc bài. Tuy nhiên, sẽ khó có điểm cao do câu 5 điểm yêu cầu thí sinh chọn khổ thơ nào trong chương trình văn học hiện đại để phân tích là vấn đề khó vì phạm vi lựa chọn để làm bài khá rộng. Theo thí sinh Thanh Vũ, nội dung câu hỏi này trùng với một câu trong đề thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2012-2013 của Trường Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TPHCM).
Hay nhưng khó có điểm cao
Nhiều giáo viên cùng chung nhận định rằng đề thi môn ngữ văn tuyển sinh lớp 10 THPT ở TPHCM hay, nhiều câu thuộc dạng mở và đặc biệt đề có tính phân loại cao phù hợp với đề thi tuyển sinh.
Giáo viên Nguyễn Hữu Dương, Trung tâm Luyện thi ĐH và Bồi dưỡng Văn hóa Vĩnh Viễn, cho rằng nội dung đề thi gắn với những kiến thức cơ bản của chương trình lớp 9. Độ khó của đề tương đối cao, có tính phân loại học sinh và phù hợp với yêu cầu tuyển sinh.
Ở câu nghị luận xã hội, theo ông Dương, vấn đề được nêu tương đối phức tạp. “Trong loạt bài trên Báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật bàn về thế hệ gấu bông, có đề cập hai hiện tượng: 1. Cô bé 15 tuổi được mẹ chở đi đánh cầu lông. Xe hai mẹ con bị va quệt, đồ đạc trên xe văng tung tóe. Người mẹ vội vàng gom nhặt, vài người đi đường cũng dừng lại phụ giúp, còn cô bé thờ ơ đứng nhìn. Đợi mẹ nhặt xong mọi thứ, cô bé leo lên xe và thản nhiên dặn: “Lát về mẹ nhớ mua cho con ly chè!”. 2. Một cậu học sinh khi được hỏi về ca sĩ nổi tiếng mà cậu hâm mộ, cậu đã trả lời rất rành mạch về cách ăn mặc, sở thích của ca sĩ đó. Nhưng khi được hỏi về nghề nghiệp, sở thích của cha mẹ cậu, cậu ta ấp úng không trả lời được”.
Từ hai câu chuyện được dẫn trong đề bài, ông Dương nhận định thí sinh có thể có những nhận thức khác nhau về hành động thờ ơ và vô cảm của những nhân vật được nêu. Từ đó, có thể hình dung một cách khác nhau về ý nghĩa của hai hiện tượng được nêu. Đề mở, nội dung khá thoáng, dễ nghị luận nhưng cũng dễ lạc đề. Đây có thể là một câu dễ gây tranh luận khi chấm bài. Chẳng hạn, học sinh có thể nói rằng cô bé trong hiện tượng thứ nhất tự phân công mình giữ xe để mẹ gom nhặt đồ đạc bị rơi, do đó, thản nhiên dặn “lát về mẹ nhớ mua cho con ly chè!” và như thế, đây là một hiện tượng bình thường... Trong khi cũng có những học sinh sẽ suy nghĩ theo hướng cô bé thờ ơ khi không giúp mẹ nhặt đồ đạc.
Hà Nội: Siết chặt công tác thanh tra Gần 80.000 thí sinh Hà Nội đã tham gia ngày thi đầu tiên của kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Hiệp Thống cho biết công tác coi thi, thanh tra được siết chặt. Sở đã điều động 8.000 giáo viên làm nhiệm vụ coi thi, chưa kể 500 người được giao hỗ trợ. Năm nay, chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 hệ công lập của Hà Nội là gần 51.200, hệ ngoài công lập gần 16.000. Kết thúc buổi thi văn sáng 21-6, tại Hà Nội, theo ghi nhận của phóng viên, hầu hết thí sinh đều tỏ ra phấn khởi vì làm bài khá tốt. Nhiều thí sinh cho rằng đề thi môn ngữ văn sát chương trình sách giáo khoa. Với cấu trúc đề truyền thống 2 câu gồm một khổ thơ và những yêu cầu xoay quanh khổ thơ đó (7 điểm), một tác phẩm văn xuôi (3 điểm), tạo cho thí sinh tâm lý thoải mái. Trong khi đó, ở môn toán, khá nhiều thí sinh không làm được bài vì có một số phần tương đối khó. Tại điểm thi Trường THPT Lê Quý Đôn (phố Xã Đàn, quận Đống Đa), thí sinh Nguyễn Xuân Bắc cho biết: “Đề hơi khó nên em không làm hết. Riêng câu 4 của bài IV (3,5 điểm) loay hoay mãi nhưng cũng chưa tìm ra đáp án”. Nhiều thí sinh khác ngồi cùng phòng với thí sinh này cũng phải bỏ lại bài IV vì quá khó. Thí sinh Phạm Hồng Long, thi tại hội đồng thi Trường THPT Kim Liên, cũng cho biết câu 4 (bài IV) và bài V thuộc loại khó nên nhiều bạn không giải được.
Y.Anh |
Hơn 400 thí sinh vắng mặt Báo cáo nhanh của Sở GD-ĐT TPHCM vào chiều 21-6 cho biết trong ngày thi đầu tiên, hơn 400 thí sinh vắng mặt. Trong đó, hệ thi vào lớp 10 thường vắng 278 thí sinh, hệ thi vào lớp 10 chuyên vắng 139 thí sinh. Ông Lê Hồng Sơn, giám đốc sở, cho biết có nhiều thí sinh ở khu vực xét tuyển vẫn đăng ký thi tuyển nên nhiều khả năng những thí sinh vắng mặt là ở khu vực xét tuyển hoặc do số thí sinh này đã có chỗ học ở các trường THPT tư thục… |
Bình luận (0)