Đề xuất này dựa trên cơ sở Việt Nam đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non (MN) cho trẻ 5 tuổi với tỉ lệ huy động trẻ từ 3-5 tuổi đến trường là 92,16%, trẻ 5 tuổi là 98,75%.
Học phí là một gánh nặng
Ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục MN, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), khẳng định theo Nghị quyết số 46/NQ-CP, Chính phủ thống nhất thực hiện chính sách miễn học phí đối với giáo dục MN cho trẻ em 5 tuổi ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ năm 2018. Quyết định này nhằm bảo đảm mọi đối tượng trong độ tuổi đều được tiếp cận với giáo dục, hạn chế tình trạng bỏ học và tăng tỉ lệ trẻ em đến trường ở các vùng đặc biệt khó khăn.
Tuy nhiên, theo ông Minh, ở nhiều vùng nông thôn, miền núi khác, đặc biệt với các hộ cận nghèo, mức học phí hiện nay dù thấp vẫn là rào cản, gây khó khăn cho việc huy động trẻ đến trường. Ngoài ra, Nghị quyết 29-NQ/TW cũng đặt ra mục tiêu miễn học phí cho trẻ em 5 tuổi trước năm 2020.
Cô và trò Trường Mầm non Hoa Anh Đào (quận Tân Phú, TP HCM) Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Ông Ngô Văn Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ kế hoạch Tài chính, Bộ GD-ĐT, phân tích theo quy định của Nghị định 86 (quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021) thì toàn bộ học sinh cấp tiểu học không phải đóng học phí còn học sinh cấp MN, THCS vẫn phải đóng.
Nhà nước chỉ thực hiện miễn giảm đối với các đối tượng chính sách. Việc nhà nước đã phổ cập giáo dục MN cho trẻ dưới 5 tuổi nhưng lại chỉ miễn học phí cấp tiểu học đã gây khó khăn cho việc huy động trẻ đến trường, nhất là học sinh vùng núi.
Để chuẩn bị việc đề xuất miễn học phí, Bộ GD-ĐT đã thực hiện khảo sát và nghiên cứu tình hình miễn học phí tại 18 quốc gia đại diện 4 châu lục Á, Âu, Mỹ, Phi; gồm đại diện các nước thu nhập cao, trung bình, thấp. Nghiên cứu cho thấy 4/18 nước miễn học phí cho tất cả các cấp học từ MN tới THPT, 6/18 nước miễn học phí với giáo dục MN, 18/18 nước miễn học phí học sinh tiểu học, 11/18 nước miễn học phí hoàn toàn với bậc THCS, 8/18 nước miễn học phí hoàn toàn với bậc THPT.
"Nghiên cứu kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới cho thấy 33% các nước miễn học phí hoàn toàn cho cấp học MN, 61% miễn học phí với giáo dục THCS" - ông Thịnh đưa ra những con số.
Chưa công bằng với hệ tư thục
Trước đó, tại hội thảo đánh giá kết quả phối hợp công tác pháp chế giữa Bộ Tư pháp và Bộ GD-ĐT năm 2017 đầu tháng 12-2017, nhiều lãnh đạo sở GD-ĐT đã đề xuất miễn học phí với bậc MN. Ông Nguyễn Quang Long, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nam, cho rằng nên mở rộng đối tượng được miễn học phí cho cả trẻ MN. Nếu kinh phí hạn chế, không miễn tất cả học phí cho trẻ MN thì ít nhất là đối tượng đang thực hiện phổ cập là trẻ 5 tuổi.
"Hướng tới chúng ta sẽ phổ cập giáo dục MN đối với trẻ 4 tuổi. Vì vậy, chúng tôi cũng mong muốn mở rộng đối tượng không phải đóng học phí tới trẻ MN" - ông Long nói. Ông Bùi Đình Thanh, Phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, cũng bày tỏ mong muốn nếu có điều kiện có thể tiến tới phổ cập giáo dục MN.
PGS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, đồng tình với ý kiến miễn học phí cho trẻ MN 5 tuổi bởi nhiều quốc gia đã miễn học phí cho cấp học này. Tuy nhiên, nếu chỉ miễn học phí cho hệ công lập thì chưa công bằng cho trẻ học MN ở các trường tư thục.
Hiện nay, nhà nước chưa đáp ứng đủ cơ sở trường lớp cho bậc học MN nên nhiều gia đình phải gửi trẻ vào trường tư thục. Số đông trong nhóm trẻ này lại là con em của công nhân, lao động tự do từ quê nghèo lên thành phố làm việc, không có hộ khẩu đúng tuyến nên không thể vào học trường công. Do đó, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đề nghị cần có chính sách hỗ trợ một phần học phí cho trẻ ở MN tư thục.
Thiếu trường công lập cho trẻ MN
Theo số liệu của Bộ GD-ĐT công bố vào tháng 7-2017, ở bậc MN, quy mô mạng lưới trường, lớp phát triển nhanh. Cả nước tăng thêm 354 trường với 11.318 nhóm, lớp mới. Số lượng, tỉ lệ trẻ đến trường đều vượt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, hiện một số khu đô thị, KCN thiếu trường lớp; khu vực miền núi, vùng sông nước vấn tồn tại nhiều điểm trưởng nhỏ lẻ, khó khăn trong đầu tư nguồn lực.
Đến nay, cả nước vẫn còn 90 đơn vị cấp xã còn trắng trường MN; còn 7.852 phòng học tạm, 6.249 phòng học nhờ, mượn; còn 18,7% nhóm/lớp chưa có đủ thiết bị đồ dùng, đồ chơi… Vì vậy, nếu được miễn giảm học phí MN cho hệ công lập, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục giải bài toán khó khi số trẻ được huy động đến trường tăng cao trong khi trường lớp thiếu thốn, số lượng và chất lượng giáo viên MN còn chưa đáp ứng nhu cầu.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định NGUYỄN TIẾN DŨNG:
Chỉ đóng góp 3%-5% chi phí đầu tư giáo dục
Đóng góp vào ngân sách nhà nước từ học phí của cấp học này chỉ chiếm 3%-5% chi phí đầu tư cho hoạt động giáo dục. Con số này rất nhỏ nên việc miễn học phí là cần thiết. Tuy nhiên, cần hỗ trợ cả những trẻ MN thuộc diện được miễn học phí nhưng phải học tại cơ sở tư thục do trường công không đáp ứng đủ nhu cầu, nhất là khu đô thị đông dân cư. Chẳng hạn, chúng tôi tính chi phí giáo dục cho một học sinh khoảng 1,5 triệu đồng mỗi cháu ở trường công lập, gồm lương, cơ sở vật chất, chi thường xuyên thì có thể hỗ trợ một phần số tiền này cho các cháu học ở trường tư thục, dân lập.
TS NGUYỄN VĂN VỊNH, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội và phát triển:
Liệu cơm gắp mắm khi ngân sách khó khăn
Việc miễn học phí cho học sinh THCS đang được Bộ GD-ĐT xin ý kiến Chính phủ, nếu Chính phủ đồng ý thì mới tính tiếp chứ cũng không thể vội vàng và hiện tại chưa đưa ra một tính toán nào cụ thể.
Đề xuất miễn học phí cho cả trẻ MN là một mong muốn tốt nhưng phải dựa trên nhiều cơ sở, đặc biệt là nguồn tài chính chứ không phải cứ miễn là miễn. Trong điều kiện ngân sách còn nhiều hạn chế như hiện nay mà vừa muốn miễn học phí cho học sinh THCS vừa miễn học phí cho trẻ MN mà lại còn muốn tăng lương giáo viên thì tôi e là không thể kham nổi.
Một số đề xuất cho rằng cần hỗ trợ cho cả học sinh học dân lập, tư thục, tôi thấy càng khó thực hiện hơn. Chúng ta phải liệu cơm gắp mắm. Theo tính toán của Bộ GD-ĐT, nếu thực hiện miễn phí đối với THCS, một năm mất khoảng 2.000 tỉ đồng, nếu miễn phí luôn giáo dục MN mất thêm 1.000 tỉ đồng nữa. Trong bối cảnh ngân sách bị bội chi, nợ công ngày càng tăng cao, bù thêm một khoản chi 3.000 tỉ đồng hằng năm là một vấn đề nan giải cho tài chính quốc gia. Tôi muốn hỏi nguồn lực ở đâu để thực hiện việc miễn học phí này?
GS ĐÀO TRỌNG THI, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội:
Tính toán kỹ
Việc miễn học phí cho trẻ MN cần phải tính toán kỹ. Trong điều kiện hiện nay, khả năng đáp ứng của nhà nước đối với bậc MN còn rất nhỏ. Thực tế, chúng ta mới chỉ có được một phần tỉ lệ trẻ MN được vào trường công lập, số còn lại phải nhờ đến lực lượng trường tư do xã hội hóa. Thực tế thì trẻ MN cũng rất cần và xứng đáng được nhà nước, xã hội chăm lo và miễn giảm học phí. Tuy nhiên, trong điều kiện nhà nước hiện nay, đề xuất này có thể chưa khả thi.
Hiệu trưởng một trường mầm non đóng tại quận Cầu Giấy:
Khó thực hiện
Miễn học phí cho trẻ MN, mong muốn thì tốt đẹp nhưng tôi nghĩ trong điều kiện hiện nay chưa thể làm được ngay.
Theo tôi được biết phải cố gắng lắm từ năm 2018, trẻ 5 tuổi ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mới được miễn học phí. Giờ chúng ta đề xuất miễn học phí cho tất cả trẻ MN thì khó có thể thực hiện được.
Bình luận (0)