Theo thống kê mới nhất của Bộ GD-ĐT, để thực hiện dạy tiếng Anh đủ theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với tiểu học cho lớp 3 thì cần thêm 3.605 GV (tăng thêm 11,8% số GV hiện tại).
Trong đó, các địa phương thiếu GV nhiều nhất là TP HCM (540), Gia Lai (306), Thanh Hóa (181), Bình Dương (97), Bình Phước (97), Kiên Giang (93), Thái Nguyễn (85), Quảng Ngãi (110), Cao Bằng (104)...
Đối với môn tin học, Bộ GD-ĐT cho hay số trường có GV tin học trong biên chế là 7.595/14.104, chiếm 53,85%; số trường có GV tin học hợp đồng là 2.471/14.104, chiếm 17,52%. Số trường có GV dạy liên trường là 1.648/14.104, chiếm 11,68%; số trường sử dụng GV dạy kiêm nhiệm là 1.253/14.104, chiếm 8,88%...
Hiện số GV còn thiếu là 4.402, chiếm 30,06%; số tỉnh/thành có dưới 10 trường chưa thể bố trí được GV là 8/63, chiếm 12,69%; số tỉnh/thành có từ trên 10 đến 50 trường chưa thể bố trí được GV là 20/63, chiếm 21,5%. Số địa phương có trên 50 trường chưa thể bố trí được GV là 15/63, chiếm 23,8%. Trong đó có nhiều tỉnh, thành có trên 100 trường không thể bố trí được GV như Sơn La, Gia Lai, TP HCM, Tuyên Quang, Cao Bằng, An Giang, Hải Phòng, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, Sóc Trăng.
Gia Lai là một trong các địa phương còn thiếu hàng trăm giáo viên cho Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ảnh: HOÀNG THANH
Bộ GD-ĐT cho hay việc tuyển dụng GV tin học, tiếng Anh gặp nhiều khó khăn do không có GV để tuyển dù có chỉ tiêu biên chế nhưng các ưu đãi và chế độ, chính sách không đủ thu hút lực lượng GV tham gia công tác giảng dạy. Thêm vào đó, theo Luật Giáo dục 2019, chuẩn đào tạo của GV tiểu học là đại học. Do vậy, ở các môn học đặc thù, rất khó thu hút cử nhân sư phạm ở các chuyên ngành ngoại ngữ, nghệ thuật hoặc tin học. Chưa hết, chỉ tiêu biên chế nhiều nơi đã tuyển đủ và không còn chỉ tiêu cho GV ngoại ngữ… Ở một số nơi, việc thực hiện xã hội hóa - huy động sự đóng góp của cộng đồng - gặp khó khăn do năm học 2022 - 2023, môn tin học, tiếng Anh sẽ là môn học bắt buộc nên theo Luật Giáo dục 2019, nhà nước phải bảo đảm điều kiện thực hiện.
Để giải quyết tình trạng thiếu GV tiếng Anh và tin học cấp tiểu học ngay trong năm học 2022-2023, Bộ GD-ĐT đã đề nghị các sở GD-ĐT tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo các địa phương thực hiện những giải pháp tuyển dụng, ký hợp đồng lao động, hợp đồng thỉnh giảng nhằm bảo đảm đủ số GV dạy học theo lộ trình. Đồng thời, thực hiện điều động GV dạy liên trường trong cùng cấp học; biệt phái, điều động GV tiếng Anh, tin học cấp THCS theo thẩm quyền quản lý tham gia giảng dạy tại các trường tiểu học sau khi đã được tập huấn, bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy, chương trình, sách giáo khoa môn học. Có phương án hỗ trợ khi điều động, biệt phái GV dạy liên trường, liên cấp phù hợp thực tế của địa phương.
Bộ cũng cho phép các cơ sở giáo dục gặp khó khăn trong bố trí GV xây dựng kế hoạch thực hiện môn học linh hoạt, phù hợp, sắp xếp thời khóa biểu khoa học để thực hiện phương án GV dạy liên trường, dạy tại nhiều điểm trường. Thậm chí, GV có thể dạy trực tiếp kết hợp trực tuyến khi bảo đảm cơ sở vật chất, thiết bị, đường truyền.
Trong khi đó, liên quan việc đào tạo GV, trong mùa tuyển sinh năm nay, với những ngành thiếu GV, Bộ GD-ĐT sẽ giao chỉ tiêu tuyển sinh tối đa cho các trường sư phạm. Các trường sư phạm đăng ký bao nhiêu chỉ tiêu, bộ sẽ giao tối đa để đáp ứng yêu cầu nhằm khắc phục tình trạng thiếu GV ở một số bộ môn khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị lãnh đạo địa phương quan tâm, vận dụng tối đa và tổng hợp các biện pháp, từ việc có chỉ tiêu tuyển thêm, dùng ngân sách địa phương cho hợp đồng đến bố trí dạy liên trường… "Ngay từ bây giờ, các địa phương phải nhìn thấy toàn bộ vấn đề cơ sở vật chất, đội ngũ GV, các điều kiện khác cho tới năm học 2024-2025 - năm triển khai ở các lớp cuối cùng. Bởi với tốc độ triển khai cuốn chiếu rất nhanh, nếu chỉ lo cho một năm, khó khăn sẽ càng tăng nhanh hơn vào các năm tiếp theo" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bình luận (0)