Nhiều ý kiến của các nhà giáo cho rằng việc giảm số tiết học trong bản mới nhất về dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể là hợp lý khi những ý kiến góp ý trước đó cho rằng số tiết học như dự thảo công bố lần đầu còn quá nặng, nhất là với học sinh tiểu học.
Giảm bớt áp lực cho giáo viên
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận Tân Bình, TP HCM cho hay hiện nay không phải trường nào cũng có điều kiện dạy 2 buổi/ngày. Chưa kể trong thực tế, theo quy định buổi 2 là để tăng cường các môn kỹ năng sống, tổ chức ôn tập, phụ đạo nhưng không tránh khỏi chạy cho kịp chương trình, nhiều trường vẫn dùng buổi 2 để dạy chương trình chính khóa. Chính vì thế, việc giảm bớt số môn học và tiết học sẽ giảm bớt áp lực cho nhà trường và các giáo viên.
Bà Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận 4, TP HCM), nhìn nhận tinh thần của dự thảo chương trình là đánh giá theo hướng phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất của học sinh, điều này được đa số giáo viên ủng hộ. Việc gom các nội dung giáo dục thành các chủ đề và các môn học là ổn, tuy nhiên làm sao các tên gọi môn học đừng trùng lặp nhau. Bà Hà cũng cho rằng quan trọng nhất vẫn là nội dung từng môn học, từng chủ đề như thế nào. Cách thức truyền đạt của giáo viên ra sao và nhà giáo sẽ được tập huấn, đào tạo như thế nào theo chương trình mới.
Chương trình mới giảm tải, giảm áp lực cho giáo viên và học sinh phổ thông Ảnh: Tấn Thạnh
Một điểm quan trọng nhất trong dự thảo chương trình mới nhất là việc không còn quy định việc giao xét tốt nghiệp THPT cho các cơ sở giáo dục như trước đây. Trước đây, ở lần công bố vào tháng 4 quy định: Học sinh hoàn thành các môn học, tích lũy đủ kết quả đánh giá theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo được cấp bằng tốt nghiệp THPT.
Lý giải cho việc sửa đổi này, theo GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình mới, trong dự thảo chương trình đã quy định việc thay đổi cách thức đánh giá, bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, sau đó, hội đồng thẩm định có ý kiến cho rằng Luật Giáo dục hiện hành vẫn đang quy định phải thi tốt nghiệp. Nghị quyết 88 cũng đề cập việc đổi mới cách thi và đánh giá. Do đó, nếu quy định ngay trong chương trình mới thì sẽ liên quan tới luật và nghị quyết. Vì vậy, ban soạn thảo đã chuyển phần "thi tốt nghiệp, tuyển sinh các lớp đầu cấp, tuyển sinh ĐH" từ phần đánh giá sang phần "điều kiện thực hiện chương trình".
Phát triển năng khiếu, sở thích
Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM), nhận định việc tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT quốc gia là hợp lý bởi lẽ có học thì phải có thi, kỳ thi cũng là để đánh giá khách quan, công bằng năng lực học tập, phấn đấu của mỗi em như thế nào, nhất là công bằng cho những em học giỏi. Đồng tình với ý kiến này, phó hiệu trưởng một trường THPT tại quận 1 cho hay trong dự thảo công bố lần trước, nhiều trường khá lo ngại khi việc xét tốt nghiệp giao về cho địa phương và các trường tự chủ, tự xét tốt nghiệp cho học sinh sẽ không thể nào có kết quả thực chất. "Việc nhà trường nương tay vì thương học sinh, vì thành tích là một chuyện. Tuy nhiên, kể cả nhà trường đánh giá khách quan thì cũng không thể khẳng định không có chuyện phụ huynh chạy chọt với giáo viên thống nhất với nhau để có một kết quả đẹp" - vị này băn khoăn.
Với những sửa đổi mới nhất của dự thảo, nhiều ý kiến cũng cho rằng cơ sở vật chất của từng địa phương, tính liên thông của từng cấp học như thế nào cũng cần phải tính đến, nếu không lại tiếp tục không khả thi. Thầy Huỳnh Thanh Phú cho biết ở môn giáo dục thể chất được thiết kế thành các học phần; hoạt động trải nghiệm được thiết kế thành các chủ đề; học sinh được lựa chọn học phần, chủ đề phù hợp với nguyện vọng của bản thân. Tuy nhiên, mong muốn của học sinh thì rất nhiều nhưng nhà trường sẽ tổ chức được bao nhiêu mới quan trọng vì có thực tế hiện nay không phải trường nào cũng có khả năng đáp ứng hết nguyện vọng của học sinh.
Trong khi đó, với việc định hướng nghề nghiệp từ lớp 10, kế hoạch các môn học được lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp gồm 3 nhóm môn: Nhóm môn khoa học xã hội: lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật. Nhóm môn khoa học tự nhiên: vật lý, hóa học, sinh học. Nhóm môn công nghệ và nghệ thuật: công nghệ, tin học, nghệ thuật. Học sinh chọn 5 môn học từ 3 nhóm môn học trên, mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn.
Thầy Huỳnh Thanh Phú cho hay việc thiết kế các nhóm môn học theo sở thích, năng khiếu của học sinh là cần thiết, bởi mỗi em có những tố chất, năng khiếu riêng. Nhưng cũng cần phải tính đến việc chọn những môn học, chuyên đề như vậy có phù hợp với việc xét tuyển vào các trường ĐH hay không, tính liên thông từ bậc THPT lên ĐH như thế nào để các em được phát triển sâu hơn kiến thức, năng lực của mình.
Thể hiện tinh thần cầu thị
TS Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) - cho hay: "Ở dự thảo mới, ban soạn thảo đã có nhiều thay đổi từ việc tiếp thu các ý kiến đóng góp. Lắng nghe ý kiến là việc tốt, thể hiện tinh thần cầu thị, cần khích lệ. Tuy nhiên, ở bậc THPT tôi còn một vài điểm băn khoăn, đặc biệt là định hướng nghề nghiệp. Tuy nhiên, dự thảo lần này định hướng nghề nghiệp cho học sinh từ lớp 10 nhưng tính khả thi không cao lắm, không biết có thực hiện được không. Định hướng nghề nghiệp phải gắn với môn thi, với các trường ĐH chứ không thể toàn diện như mình mong muốn. Dự thảo trước cho học sinh học theo khối, chọn 5 môn, định hướng tập trung hơn. Dự thảo này lại quay về như cũ, tính định hướng nghề nghiệp chưa cao, chưa gắn với thi ĐH, CĐ. Chưa thực hiện được mục tiêu đổi mới của mình. Vấn đề này cần phải làm rõ hơn".
Bình luận (0)