Được làm cả 2 bài thi tổ hợp
Theo Quy chế thi THPT quốc gia 2017, kỳ thi sẽ có 5 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là: toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp là khoa học tự nhiên, khoa học xã hội chính thức được áp dụng. Bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên là tổ hợp các môn vật lý, hóa học, sinh học; bài thi khoa học xã hội là tổ hợp các môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình giáo dục THPT; tổ hợp các môn lịch sử, địa lý đối với thí sinh học chương trình GDTX cấp THPT.
Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải dự thi 4 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 1 bài thi do thí sinh tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp. Để tăng cơ hội xét tuyển ĐH, CĐ, thí sinh được chọn dự thi cả 2 bài thi tổ hợp, điểm bài thi tổ hợp nào cao hơn sẽ được chọn để tính điểm xét công nhận tốt nghiệp THPT. Theo quy chế, bài thi được chấm theo thang điểm 10, lấy đến 0,25; không quy tròn điểm.
Không bỏ điểm sàn
Sau nhiều tranh cãi, Bộ GD-ĐT quyết định vẫn giữ ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào (điểm sàn) căn cứ trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia để các trường xây dựng phương án xét tuyển.
Từ năm 2018 trở đi, khi các trường đã công khai đầy đủ và chuẩn xác các thông tin theo quy định thì mỗi trường tự xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào (điểm sàn) cho trường mình.
Đối với các trường ĐH đóng trên địa bàn các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ được xét tuyển những thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm liên tục và tốt nghiệp trung học tại các tỉnh thuộc khu vực này với kết quả thi (tổng điểm 3 bài thi/môn thi của tổ hợp dùng để xét tuyển) thấp hơn ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào 1 điểm (theo thang điểm 10) và phải học bổ sung kiến thức một học kỳ trước khi vào học chính thức.
Theo quy chế mới, các trường có thể không sử dụng kết quả thi THPT để tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017 mà có thể xét tuyển học bạ hoặc tổ chức thi riêng. Đối với phương án xét tuyển bằng học bạ, ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào là điểm trung bình của từng môn học trong tổ hợp các môn dùng để xét tuyển hoặc điểm trung bình chung của các môn học dùng để xét tuyển không nhỏ hơn 6 đối với trình độ ĐH (theo thang điểm 10).
Trường ĐH đóng tại các tỉnh biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể xét tuyển các thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm liên tục và tốt nghiệp THPT tại các tỉnh, địa phương này ở mức thấp hơn 0,5 điểm. Từ năm 2018, ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào sẽ do các trường tự quy định.
Bình luận (0)