Ở tuổi 33, độ tuổi mà nhiều người khó lòng thờ ơ với những niềm vui đời thường réo gọi thì Thu lại không mấy bận tâm. Chị không chơi facebook, ít khi tụ tập bạn bè hay suy nghĩ về những thú vui cho bản thân… Ðiều trăn trở hằng ngày của Thu là làm sao để việc nghiên cứu có kết quả. Từ khi còn là sinh viên, Thu đã tham gia nghiên cứu khoa học dưới sự hướng dẫn của GS-TSKH Nguyễn Hữu Chí.
"Chính niềm đam mê nghiên cứu của thầy Chí đã truyền sang tôi và tôi đã yêu vật lý lúc nào không hay" - chị kể. Ðó cũng là lý do khi đang là sinh viên ngành toán - tin năm thứ hai, Thu quyết định chuyển sang ngành vật lý.
Sau khi đoạt giải nhì sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước và tốt nghiệp loại giỏi (năm 2001), Thu được giữ lại trường và chị đã kiên trì bám trụ tại phòng thí nghiệm chân không, Khoa Vật lý - Vật lý kỹ thuật từ đó đến nay cùng bao nỗi vui buồn.
TS Vũ Thị Hạnh Thu trong phòng thí nghiệm vật lý chân không. Ảnh: T.V
Năm 2002, Vũ Thị Hạnh Thu bắt đầu thực hiện đề tài Nghiên cứu chế tạo màng quang xúc tác TIO2:N bằng phương pháp phun xạ magnetron, cho ứng dụng làm sạch vi khuẩn trong nước và chống đọng nước bề mặt. Ðây là công trình nghiên cứu tạo ra màng hấp thụ ánh sáng quang, chuyển thành chất xúc tác xử lý chất bẩn hữu cơ và vi khuẩn trên bề mặt vật liệu, có thể ứng dụng làm sạch môi trường, xử lý vi khuẩn trong nước…
Năm 2010, công trình nghiên cứu này đoạt giải nhì Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTEC). Năm 2011, TS Thu nhận được bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và được giải Quả Cầu vàng năm 2012 dành cho những tài năng trẻ nghiên cứu Khoa học xuất sắc. Công trình này được một đơn vị thuộc lĩnh vực y tế hợp tác nghiên cứu và đưa ra ứng dụng, góp phần làm sạch môi trường.
Nhìn lại quãng thời gian dài miệt mài theo đuổi các đề tài khoa học, TS Thu cho rằng chưa bao giờ chị cảm thấy nản lòng, cho dù có những lúc kết quả nghiên cứu không như dự tính, hay có lúc phải dừng lại vì cuộc sống gia đình. Chị đã vượt qua tất cả bởi niềm đam mê nghiên cứu như ngọn lửa cháy bỏng trong tâm trí người trí thức trẻ: "Tôi luôn nghĩ làm sao để nghiên cứu của mình được các doanh nghiệp quan tâm, đặt hàng và đưa vào ứng dụng". Hiện chị đang cùng nhóm cộng sự theo đuổi hai công trình cùng liên quan đến màng quang đó là màng quang xúc tác và máy dẫn điện thông suốt làm điện cực cho pin mặt trời.
Với Thu, được trải mình trong phòng thí nghiệm là niềm hạnh phúc. Chỉ có nghiên cứu mới đem lại cho chị động lực, niềm vui. Bởi vậy, chị xin phép giảm giờ giảng dạy và chuyên tâm ở phòng thí nghiệm. Ngày ngày, chị cùng các cộng sự và học trò mày mò bên máy móc, vật liệu, loay hoay đo đạc, phân tích và vui buồn với các kết quả nghiên cứu.
Dù sống hết mình với khoa học nhưng TS Thu vẫn dành thời gian xây đắp cho tổ ấm của mình. Ngay sau khi rời phòng thí nghiệm, chị về nhà đón con, lo cho chồng con bữa ăn tối, dạy con học... Với người phụ nữ này, gia đình chính là điểm tựa tinh thần, là nơi đem lại cân bằng và tiếp thêm cho chị niềm đam mê công việc. "Nghiên cứu khoa học không phải là cuộc dạo chơi. Tôi sẽ kiên trì theo đuổi đến cùng" - TS Thu quả quyết.
Bình luận (0)