Sau khi Báo Người Lao Động Online đăng bài Dậy sóng với thư du học sinh Nhật gửi Việt Nam, rất nhiều bạn đọc gửi ý kiến thể hiện quan điểm cả đồng tình lẫn phản đối về bức thư này.
Ly cà phê đắng nhưng rất ngon!
Đa số ý kiến bình luận thể hiện quan điểm bênh vực người viết, cho rằng bức thư du học sinh Nhật rất hay và ý nghĩa, lý luận, dẫn chứng thuyết phục và đặt ra câu hỏi đau đáu, câu cảm thán xoáy sâu vào nhân cách người Việt.
Là một trong những người bình luận đầu tiên, bạn có tên Mai Công Lại viết: “Đúng là uống một ly cà phê đắng nhưng rất là ngon. Cảm ơn bạn!”.
“Không phải chỉ có bạn mới viết nổi những dòng này nhưng có lẽ những dòng này do bạn viết ra có sức thuyết phục hơn chúng tôi những người Việt. Tôi rất xấu hổ vì không thể bác bỏ những điều bạn nêu ra. Cảm ơn bạn”, bạn đọc tên Hùng viết.
“Đọc, nghe mà đau đáu trong lòng. Biết bao giờ thanh thiếu niên Việt Nam mới nhận thức được như vậy. Chắc sẽ còn lâu lắm..”, một bạn đọc ngậm ngùi.
Nhiều bạn đọc cho rằng những điều được đề cập trong lá thư không có gì mới mẻ, thậm chí người Việt nào cũng biết điều đó nhưng lại không dám thừa nhận, không dám hành động để xóa bỏ nó.
Bên cạnh những dòng cảm ơn đến tác giả bức thư, nhiều bạn đọc thể hiện thái độ đồng cảm với những quan điểm nêu ra và tức giận trước những thói xấu hiện hữu trong con người, xã hội Việt Nam.
Bạn đọc Nguyễn Thường Xuân cay đắng viết: “Vì đâu nên nỗi”, câu hỏi như nhát dao khứa vào mỗi trái tim chúng ta. Đọc bài viết, ai cũng nhận thức vấn đề được đưa lên là chính xác và quá chuẩn nhưng ra tay để thay đổi nó thì không phải ai cũng sẵn sàng. Ai có trách nhiệm về sự thay đổi này, trong lúc nền giáo dục nước nhà lúc nào cũng đang có vấn đề, cải cách mãi vẫn giậm chân tại chỗ... Những hạn chế hàng ngày hàng giờ tác động vào các tầng lớp xã hội, nhất là khủng hoảng niềm tin. Có người còn kêu lên rằng: Ở cái thời nay muốn làm một người tốt thật khó”.
Lý giải tình trạng xuống cấp đạo đức, văn hóa trong bộ phận người Việt hiện nay, một bạn đọc viết: “Văn hóa con người phải được hình thành ngay từ lúc còn thơ ấu, khi mới bắt đầu đi học và được nuôi dưỡng trong suốt quá trình còn ngồi trên ghế nhà trường và trở thành máu thịt trong cơ thể mỗi người. Sống trong một cộng đồng có văn hóa, những người thiếu văn hóa cũng sẽ được cảm hóa để trở thành người có văn hóa. Và nhân tố chính để tạo ra văn hóa con người của mỗi đất nước chính là chương trình và nội dung giáo dục của đất nước đó. Chúng ta cũng cần xem lại có khiếm khuyết gì không trong nội dung sách giáo khoa để tìm hiểu vì sao số người thiếu văn hóa ở Việt Nam ngày càng nhiều, cho dù hầu hết người dân đều được phổ cập giáo dục 12/12. Có mâu thuẫn không, khi có trình độ văn hóa lại vẫn thiếu văn hóa?”.
Lòng tự tôn chúng ta đâu rồi?
Bên cạnh những ý kiến khen, đồng tình với bức tâm thư, nhiều bạn đọc cho rằng đây chỉ là cái nhìn phiến diện của một du học sinh chỉ có thời gian ngắn ngủi ở Việt Nam.
Sau khi đọc lá thư, bạn Nguyễn Thao bức xúc: “Bức tâm thư chẳng có gì mới cả. Chỉ buồn rằng rất nhiều người Việt trẻ vội vã gật đầu thừa nhận cái rụp những tính xấu của người Việt mà không biết phản biện. Dễ dàng thỏa hiệp thế sao? Tự tôn của chúng ta đâu rồi? Chẳng lẽ bạn chỉ biết gật đầu khi ai đó chê bạn xấu, mà chẳng biết bảo vệ bản thân rằng mình cũng có những điểm tốt hay sao. Chỉ biết nghe người khác nói, gật gù tán thưởng tâm lý số đông mà chẳng tìm cho mình được một hướng thay đổi nào”.
Bạn đọc nickname Xích Lô cho rằng bức thư du học sinh Nhật chỉ là một mảng màu trong bức tranh đa sắc. Đồng ý kiến trên, bạn đọc tên Tuấn thể hiện sự lạc quan: “Bạn người Nhật nói đúng nhưng chưa đủ. Vẫn có không ít người Việt sống có lý tưởng, có niềm tin đấy chứ…”
Thậm chí, nhiều người mặc dù đồng tình với tác giả bức tâm thư nhưng vẫn thể hiện tinh thần tự tôn, tự hào dân tộc trong từng dòng bình luận: “Tôi là công dân Việt Nam. Việc tự tôn dân tộc hay nói cách khác là việc ca ngợi đất nước và con người Việt Nam là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi công dân Việt… Chúng tôi cũng có quyền hãnh diện với bạn bè quốc tế rằng đất nước chúng tôi có những con người làm nên lịch sử và góp vào những trang sử hào hùng của nhân loại. Nhưng tiếc thay, những cái quyền, bổn phận và trách nhiệm ấy cứ dần dần bị mai một bởi những giá trị sống cứ bị tàn phá…. Tôi rất chia sẻ và xin cảm ơn bạn về những “oán than” vô cùng chân thật của bạn… Sự thật mất lòng, tôi chỉ mong sao Người Việt chúng tôi sau khi đọc được bức tâm thư của bạn sẽ cảm nhận nó một cách tích cực nhất để thay đổi nhận thức và hành vi...”.
Bạn đọc Nguyen Long: “Tôi tìm mãi mà không có link gốc của bức tâm thơ được cho là của du học sinh Nhật nào đó. Nhưng không quan trọng nữa rồi, dù người viết là chính blogger nọ hay một người Việt nào đó mà không phải là từ người Nhật thì điều quan trọng là nó phản ánh hiện thực xã hội Việt Nam. Đây là những tính cách làm hạn chế sự vươn lên của nước Việt. Những tính cách có từ lâu đời mà tác giả gọi là “văn hóa làng xã” và nó được dịp phát tán trong một xã hội ngày càng coi trọng các giá trị ảo do kim tiền mang lại”.
Bạn đọc Duy dc: “Thật sự đây là một bức thư của một người Việt có trách nhiệm chứ không phải người Nhật. Nhưng ai viết thì điều đó cũng không quan trọng. Họ đã viết đúng và mỗi chúng ta cần xem lại mình!”
Bạn đọc Hai Dân: “Có lẽ đã đến lúc ta phải nhìn nhận vào sự thật này và chấp nhận nó để học hỏi nhiều hơn nữa về cách sống, cách làm giàu và cách có trách nhiệm với cái chung của đất nước. Chứ sống theo chủ nghĩa cá nhân nhiều quá, cứ vơ vét và làm giàu cho bản thân mà không biết đến đất nước mình ngày mai sẽ ra sao là nguy to. Hãy uống ly cà phê đắng của người bạn Nhật, ta sẽ sáng suốt hơn nhiều...!”.
Bình luận (0)