xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thủ khoa vượt khó

HOÀNG LAN ANH

Trong tốp 100 thí sinh có điểm thi ĐH, CĐ cao nhất vừa được công bố, tới 80% ở các tỉnh và đa phần là con em nhà nghèo. Nghèo, thậm chí cực nghèo nhưng các em vẫn tự tin ngẩng cao đầu đi vào lâu đài tri thức mà không sợ kém cạnh bất cứ ai

Căn nhà cũ kỹ của mẹ con thủ khoa Trường ĐH Dược Hà Nội, em Lê Đức Duẩn, nằm nép cạnh bờ mương nhỏ chảy qua thôn Nhị Khê, xã Hoàng Long, huyện Phú Xuyên - Hà Nội. Trong nhà em, chúng tôi không thấy có tài sản gì đáng giá vài trăm ngàn đồng. Ngay chiếc “giường” Duẩn nằm cũng chỉ là những tấm ván cũ được kê lại, đến manh chiếu cũng không còn lành lặn mà rách một miếng to...

Hai lần định bỏ học làm thuê

Duẩn cho biết bao nhiêu tiền tích góp được, mẹ em đã dồn hết cho chồng rồi con trai lớn chữa bệnh. Thế nhưng, số tiền ít ỏi đó không đủ giữ chân những người thân yêu nhất của Duẩn. Căn bệnh ung thư đã cướp đi sự sống của cả bố và anh Duẩn, người mẹ gầy gò của em lại đau ốm triền miên.

“Suốt những năm tháng khó khăn, em đã 2 lần định bỏ học đi làm thuê giúp mẹ. Nhưng rồi nghĩ đến tương lai, đến mẹ già và thầy cô, bè bạn, em lại giấu nước mắt vào trong, ôm sách vở đến trường” - Duẩn tâm sự. Hình ảnh cậu bé gầy gò với chiếc xe đạp hoen gỉ, không bàn đạp, lốp mòn nhẵn thín, phải cố chằng buộc để đi học hằng ngày đã khiến nhiều người không kìm được nước mắt.

img

Em Nguyễn Ngọc Thiện, thủ khoa Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội, cho rằng chỉ có

học thật tốt mới giúp mình và gia đình thoát khoải cảnh khó khăn. Ảnh: VIỆT ANH

Suốt 3 năm học THPT, Duẩn chỉ có 2 chiếc áo dài tay và 2 chiếc áo khoác đồng phục mùa đông của trường. Tất cả đã sờn, có cái đã rách phải vá lại. Bất kể mùa đông hay hè, trời nắng hay lạnh, Duẩn cũng chỉ có đôi dép tổ ong đã mòn gót đi tới trường. “Nhà nghèo, bữa ăn còn chạy từng ngày huống chi chuyện ăn mặc” - Duẩn bộc bạch.

Ngoài thời gian học, Duẩn phải phụ giúp mẹ làm thêm để kiếm thu nhập. Cuộc sống của hai mẹ con trông cả vào tiền công đan giỏ tre khoảng 500.000 đồng/tháng. Duẩn bảo lý do để em thi vào ĐH Dược là vì muốn tìm ra những phương thuốc và cách chữa trị cho  những người thân yêu. Nhưng ít người biết, lựa chọn hàng đầu của Duẩn lại là Học viện An ninh Nhân dân để... đỡ mất tiền học phí. Tiếc thay, em đã bị loại vì không đủ cân nặng - ở tuổi “bẻ gãy sừng trâu”, Duẩn chỉ nặng có 38 kg.

Vượt qua tủi hổ

Có hoàn cảnh giống Lê Đức Duẩn, Lưu Thế Anh, thủ khoa Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cũng là một tấm gương khiến bạn bè nể phục. Từ nhỏ đã không có sự chăm sóc của cha, Thế Anh sống trong sự chăm sóc của người mẹ là cựu chiến binh.

Thế Anh rụt rè cho biết mẹ em, bà Lưu Thị Tẽo, từng là bộ đội hậu cần hải quân. Sau một thời gian làm việc ở Đà Nẵng, bà Tẽo được chuyển về Hải Phòng công tác nhưng rồi vì gặp tai nạn, không còn sức khỏe nên đành về quê ở Hưng Hà - Thái Bình. Bà Tẽo tâm sự khi về quê, bà quyết định “xin” một đứa con để có niềm vui khi tuổi già và thế là Thế Anh ra đời.

Tuổi thơ của Thế Anh trôi qua vất vả, cậu bé nhiều lần bị bạn bè chọc ghẹo, về nhà khóc với mẹ trong sự tủi hổ về thân phận mình. Thế nhưng, chính tình yêu vô bờ của người mẹ nghèo đã giúp em có thêm nghị lực sống và quyết tâm học thật giỏi để đổi đời. Vừa đi học, Thế Anh vừa làm việc gia đình, ra đồng cấy hái, làm cỏ lúa.

Nhà nghèo, Thế Anh tự học bằng cách tìm những bài toán khó, mượn sách nâng cao để tự giải. Tân thủ khoa thổ lộ: “Được trải nghiệm cuộc sống vất vả từ nhỏ nên em muốn học thật giỏi để giúp mình, giúp mẹ. Em luôn đặt ra cho mình những mục tiêu, ví như thi học sinh giỏi thì ít nhất cũng phải được giải nhì, ba; thi ĐH thì phải đỗ”. Đúng như mục tiêu mà Thế Anh đã đề ra, lớp 12, em đã giành giải nhất môn toán, nhì môn hóa trong kỳ thi học sinh giỏi của tỉnh Thái Bình...

img
Lưu Thế Anh và mẹ
Hằng ngày chứng kiến sự vất vả, khó nhọc của bố mẹ vốn là những nông dân, Nguyễn Ngọc Thiện, thủ khoa Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội, hiểu rằng chỉ có học tập thật tốt, em mới thoát khỏi cảnh bán mặt cho đất, bán lưng cho trời đầy tủi hổ. Không có tiền đi học thêm nhưng suốt 12 năm học, năm nào Thiện cũng là học sinh giỏi. Lớp 5, em còn đoạt giải khuyến khích môn toán, lớp 9 đoạt giải ba học sinh giỏi và lớp 12 giải nhì môn toán, tất cả đều cấp tỉnh ở Hải Dương.

Ông Nguyễn Văn Hiền, bố Thiện, cho biết dù hoàn cảnh gia đình còn gặp nhiều khó khăn, quanh năm chỉ biết đến đồng ruộng, ao cá nhưng vợ chồng ông luôn cố gắng động viên Thiện học tập để có thể thoát khỏi cảnh khó khăn như bố mẹ.

Vừa học vừa làm

Cuộc sống của gia đình em Nguyễn Văn Tứ, thủ khoa Trường ĐH Quảng Nam, cũng gặp rất nhiều khó khăn. Bố và anh trai Tứ phải đi làm thuê kiếm tiền sinh nhai, mẹ ở nhà lo việc đồng áng, cả nhà em không có gì đáng giá ngoài chiếc tivi và máy tính đều đã rất cũ. Hằng ngày, Tứ dậy từ 5 giờ ôn lại bài, 6 giờ kém là bắt đầu đạp xe băng qua con sông để đến trường cách nhà hàng chục km.

Ngôi nhà nhỏ của gia đình Tứ nằm sâu dưới chân núi An Cường, huyện Hiệp Đức - Quảng Nam. “Suốt 3 năm liền, buổi sáng học xong, nếu chiều còn học thì em ăn tạm cơm bụi, không có tiết là đạp xe về nhà phụ giúp bố mẹ việc đồng áng” - Tứ kể. Vất vả như vậy nhưng với quyết tâm học để thoát nghèo, năm nào Tứ cũng là học sinh giỏi.

img

Lê Đức Duẩn, thủ khoa Trường ĐH Dược Hà Nội, sau giờ đến trường phải

đan giỏ tre để kiếm tiền ăn học và phụ giúp mẹ Ảnh: VIỆT THANH
Đồng hương với Tứ, em Nguyễn Văn Khuynh (huyện Quế Sơn - Quảng Nam), thủ khoa khối B Khoa Y Dược - ĐH Quốc gia Hà Nội, cũng là một tấm gương khiến nhiều người khâm phục vì nghị lực phi thường. Nhà Khuynh rất nghèo, nguồn sống chủ yếu chỉ dựa vào 3 sào ruộng nhưng chẳng đủ nuôi 6 miệng ăn.
Để kiếm tiền trang trải trong gia đình, bố Khuynh phải làm đủ nghề, từ chạy xe ôm, phụ hồ đến làm thuê. “Hằng ngày, hết giờ học trên lớp là em tranh thủ chạy về phụ giúp mẹ việc ruộng đồng và chăm sóc bà ngoại già yếu” - Khuynh cho biết. Năm nay, em đã suýt bỏ thi ĐH vì muốn để dành tiền lo thuốc thang cho bà ngoại.

Càng nghèo, càng quyết tâm

GS - viện sĩ Phạm Minh Hạc, nguyên bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết khi xem một phóng sự về thủ khoa Lê Đức Duẩn, không chỉ ông mà cả gia đình đều rất cảm động. “Chúng tôi khâm phục vô cùng tinh thần của cháu Duẩn. Một chàng trai có tinh thần vượt khó tuyệt vời!” - ông nhấn mạnh.

Theo GS Phạm Minh Hạc, trong hoàn cảnh khó khăn, tinh thần vượt khó của học sinh nhà nghèo cao hơn rất nhiều so với các em bình thường và đó là điều rất đáng quý, rất đáng trân trọng. Nhìn vào danh sách tốp 100 thí sinh có điểm thi cao nhất, trong đó có tới 80% là học sinh nghèo ở các tỉnh, ông nhận định: “Cũng giống thời của chúng tôi, phần lớn những người thành đạt đều là những học sinh nhà nghèo”.

Trong khi đó, PGS Văn Như Cương, một nhà sư phạm có tiếng, cũng cho rằng nhiều năm nay, tỉ lệ học sinh nông thôn thi ĐH ngày càng cao và thủ khoa phần lớn là trong số các em này. “Không chỉ ý chí của các em rất tốt mà cách học tập cũng đáng được quan tâm. Dân TP cho con đi học thêm, nghe người ta giảng chứ không phải là tự học. Học thêm không có ý nghĩa gì đối với những học sinh quyết tâm” - ông nhìn nhận.

Theo PGS Văn Như Cương, càng khó khăn, học sinh càng phải tìm cách thoát nghèo bằng việc tự học để vào ĐH. “Ví như ở Nghệ An quê tôi, chỉ có cách “học để kiếm gạo” mới giúp cho cuộc sống bớt vất vả. Tôi không cho rằng tất cả các thủ khoa đều là những người thông minh nhưng họ đều là những người mang quyết tâm phải học để đổi đời” - ông đánh giá.

Yến Anh

Vui chưa dứt đã buồn lo

Niềm vui đỗ thủ khoa còn chưa dứt, nỗi lo đã ập đến với mẹ con Lê Đức Duẩn khi em bắt đầu cuộc sống sinh viên ở TP. “Lên TP trọ học, em sẽ đi kiếm việc làm thêm để trang trải cho việc học hành của mình. Em sẽ cố gắng học thật tốt, thu nạp thêm kiến thức để có thể trở thành một dược sĩ giỏi” - Duẩn tâm sự.

Mẹ con thủ khoa Lưu Thế Anh cũng có chung nỗi lo lắng này. Tân thủ khoa Trường ĐH Bách khoa Hà Nội dù chưa có nổi chiếc máy tính cũ nhưng vẫn mơ ước trở thành một lập trình viên giỏi. “Lên Hà Nội, em sẽ tìm việc làm thêm để đỡ tiền học cho mẹ” - Thế Anh tính toán. Người mẹ của em cũng có kế hoạch lên Hà Nội giúp việc để kiếm tiền giúp con ăn học. “Tuổi đã già, không biết sức khỏe còn được bao nhiêu nhưng tôi cũng cố gắng làm được gì thì làm để giúp con bằng bạn bằng bè” - bà Tẽo giãi bày.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Nữ, mẹ Nguyễn Văn Khuynh, cho biết khi em đi thi, cả nhà đều lo lắng, sợ con không đủ tiền mua vé xe về lại nhà. “Giờ cháu đậu ĐH, cả nhà vừa mừng vừa lo. Mừng vì cháu vất vả là vậy nhưng vẫn học hành tốt và đậu thủ khoa nhưng gia đình lại lo vì không có tiền cho con ăn học” - bà trăn trở.

Hoàng Dung

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo