Trong thời gian qua, Báo Người Lao Động đã nhận được nhiều phản ánh của phụ huynh học sinh về việc thu quỹ phụ huynh. Ngoài việc quỹ phụ huynh bị thu như một khoản bắt buộc, phụ huynh còn phản ánh nhiều nơi sử dụng quỹ này vào những mục đích không cần thiết, theo kiểu “thừa giấy vẽ voi”.
Học sinh quá đông phải trang bị camera?
Nhiều phụ huynh phản ánh một trường THCS ở quận 5 thu quỹ phụ huynh để phục vụ cho 9 nội dung chi, trong đó có việc thuê 3 nhân viên bảo vệ trật tự ngoài trường, trang bị camera quan sát 6 tầng lầu...
Giải thích vấn đề này, nhà trường cho rằng trường nằm ở khu vực ngã ba, lại gần các chợ nên tình hình rất phức tạp. Trường đã làm đơn đề nghị UBND phường hỗ trợ. Có thể là lực lượng công an phường quá mỏng nên trường được đề nghị thuê thêm 3 người làm trật tự trước cổng trường.
Việc trang bị camera quan sát, lãnh đạo trường này cũng cho biết nhiều năm trước ban đại diện phụ huynh học sinh đề xuất nhưng trường không mạnh dạn làm vì còn nhiều việc khác cần hơn, như mua sắm bàn ghế học sinh. Nhưng nay thì trường đã mạnh dạn hơn theo đề xuất của ban đại diện. Quy mô của trường quá lớn, học sinh lại quá đông (khoảng 3.000) nhưng mỗi buổi chỉ có từ 6 - 8 giám thị do vậy trường cần trang bị camera để quan sát học sinh, đặc biệt là giờ ra chơi, ở những khu vực khuất. Việc trang bị camera quan sát vẫn không thể làm thay công việc của giám thị nhưng sẽ giúp cho việc quản lý học sinh.
Về vấn đề này, một thanh tra viên của Sở GD-ĐT TPHCM cho rằng: Trang bị camera quan sát học sinh là chưa cần thiết. Vị này còn bình luận thêm, hiện có một bộ phận ban đại diện cha mẹ học sinh có điều kiện về kinh tế nên thích vẽ ra nhiều chuyện để vận động phụ huynh đóng góp theo kiểu chia đều trong khi bản thân anh ta cũng không muốn đóng góp cao hơn những phụ huynh khác.
Cắt khẩu phần ăn của học sinh
Mới đây, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Triết, quận Thủ Đức- TPHCM đã trích 1.200 đồng tiền ăn của học sinh trong số 12.000 đồng tiền ăn trưa và xế để làm việc khác. Hành động này đã gây bức xúc trong phụ huynh học sinh.
Theo giải thích của bà Trần Thị Phước, hiệu trưởng nhà trường, mức thu học sinh bán trú (1.140 học sinh) là 30.000 đồng/tháng, trong đó 70% được trích ra để trả lương nhân viên phục vụ nhưng vẫn không đủ nên trường phải trích 1.200 đồng trong tiền ăn của học sinh để hỗ trợ thêm vào tiền lương của cấp dưỡng. Hiện tại, trường thuê 29 nhân viên với mức chi trả 1,5 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh không đồng tình với giải thích trên và còn cho rằng những vấn đề lãnh đạo trường nêu ra chưa trung thực. Theo tính toán của phụ huynh, tiền bán trú trường thu được là 23.940.000 đồng (30.000 đồng x 1.140 học sinh x 70%); trích tiền ăn là 27.360.000 đồng (1.200 đồng x 20 ngày x 1140 học sinh).
Như vậy, tổng thu trường có được từ hai khoản này là 51.300.000 đồng. Trong khi đó trường chỉ thuê 27 nhân viên với mức lương 1.200.000 đồng (tổng cộng là 32.400.00 đồng), còn dư 18.900.000 đồng. Vậy số tiền này đi đâu? Hiệu trưởng nhà trường không bình luận gì vì cho rằng vẫn chưa có thực chi các khoản (?!).
Thêm vào đó, nhà trường vẫn thu quỹ phụ huynh học sinh 120.000 đồng/năm để phục vụ sửa chữa nhà vệ sinh, phòng thay đồ học sinh, làm trần nhà ăn cho học sinh... Nhiều phụ huynh cho rằng, hằng năm ngân sách Nhà nước đã đầu tư cho cơ sở vật chất thì tại sao phụ huynh phải gánh cả khoản này?
Theo ông Nguyễn Trọng Cường, Trưởng Phòng Giáo dục quận Thủ Đức, việc cắt khẩu phần ăn của học sinh là không thể chấp nhận được. Tiền ăn của phụ huynh đóng bao nhiêu phải được giữ nguyên. Ông Cường cũng cho biết Phòng Giáo dục quận đã làm việc với trường, đã đề nghị trường ngưng ngay việc trích tiền ăn của các học sinh. Tiền phục vụ bán trú thu của phụ huynh học sinh nếu không đủ chi trả cho nhân viên phục vụ thì trường phải bàn bạc thêm với phụ huynh học sinh bán trú.
Bình luận (0)