Đường xa, nhà nghèo, học sinh thường nghỉ học để vào rừng phụ giúp cha mẹ, như đi bứt đót, kiếm mật ong rừng. Thương lũ học trò nghèo, thầy Đặng Văn Cương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Ba, đến từng nhà vận động gia đình đưa học sinh đến lớp nhưng câu trả lời thường là nhà nghèo quá nên gia đình có bảo thì bọn học trò cũng không nghe.
Em Đinh Văn K’Rể sinh ra đã mắc chứng bệnh hiếm gặp là Seckel và bị bỏ rơi. Thầy Đặng Văn Cương đã nhận em vào học nội trú, cùng em chống lại bệnh tật và học chữ
Nặng lòng với suy nghĩ nếu không tạo điều kiện cho các em học hành thì thế hệ mai sau cũng lại tiếp tục nghèo khó nên thầy Cương cùng các đồng nghiệp quyết tâm tìm mọi cách đưa học trò đến trường. Năm 2009, thầy cùng đồng nghiệp thống nhất đưa 15 học sinh về ở nội trú tại điểm trường chính. Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sơn Hà ban đầu lo ngại nếu đưa các em về trường mà chỗ ở không có, cũng không có chế độ gì thì làm sao nuôi nổi các em đang tuổi ăn tuổi lớn. Thế nhưng, thầy Cương và các thầy cô trong trường quyết tâm xếp dọn 3 phòng ở (vốn là phòng giáo viên) cho các em tá túc. Để nuôi các trò nghèo, thầy cô phải trích lương của mình ra mua gạo, mắm, cá khô cho các em. Sau đó, thầy Cương xin huyện ủy, UBND huyện hỗ trợ và vận động các mạnh thường quân góp bữa ăn. Từ lúc vận động, nội trú trường chỉ có 15 học sinh nhưng đến nay đã có 36 học sinh thôn Gò Da ở lại trường.
Cũng giống thầy Đặng Văn Cương, cô Nguyễn Thị Nghiệp, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Đại Cường, (huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội), không chỉ là cô giáo mà còn là mẹ của rất nhiều học sinh vùng quê nghèo Đại Cường. Là nơi có điểm đầu vào THPT thấp nhất TP Hà Nội, số học sinh dự thi thấp hơn so với chỉ tiêu được tuyển nên học sinh không có sự cạnh tranh, dù thế, cô Nghiệp luôn truyền cảm hứng để học sinh nỗ lực hơn trong học tập. 19 năm trong nghề, những lớp cô giảng dạy môn ngữ văn (không phải lớp chọn) luôn đạt hơn 80% điểm trên trung bình. Năm học 2016-2017 dù trường đang xây dựng, học 2 ca, phân tán học ở 3 địa điểm, xã thuần nông 90% làm nông nghiệp nhưng cô vẫn giữ được thành tích môn ngữ văn đạt 83% điểm trên trung bình. Nhiều học sinh của cô Nghiệp đạt giải cấp huyện, được chọn đi thi cấp thành phố.
Đặc biệt quan tâm đến học sinh yếu, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, cô Nghiệp đã từng cùng học sinh lớp mình chủ nhiệm trồng 20 sào đậu tương giúp một học sinh nghèo trong lớp. Đây là học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, cha không biết là ai, mẹ mất tích, ở với ông ngoại hơn 80 tuổi. Sợ em không có tiền đi học, cô đã mượn ruộng địa phương trồng đậu để ủng hộ học sinh của mình. Cô Nghiệp cũng thường xuyên dạy miễn phí cho học sinh yếu 30 phút sau giờ học buổi chiều, đồng thời kêu gọi tài trợ cho học sinh khó khăn để chia sẻ những vất vả khi đến lớp...
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề giáo, tốt nghiệp ngành sư phạm, cô Nguyễn Thị Uyên về công tác tại Trường Mầm non thị trấn Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn - một huyện nghèo của TP Hà Nội. Cô giáo trẻ cũng chia sẻ mình đến với nghề giáo là do duyên nên để vượt qua khó khăn, Uyên chọn cách yêu nghề, yêu những học sinh của mình.
Cô Uyên tìm cách thiết kế sản phẩm công nghệ với các trò chơi khám phá khoa học dành trên máy tính cho trẻ mẫu giáo. Sản phẩm được ghi ra đĩa tạo thành chương trình vừa chơi vừa học với tên gọi "Chương trình khoa học nhí". Đây là cả một thế giới với nhiều màu sắc, thú vị và đòi hỏi sự tư duy, tính kiên trì cao, tổng hợp 500 hình ảnh ngộ nghĩnh, 1.000 âm thanh sống động từ tiếng âm nhạc, tiếng cô giáo, tiếng nói bạn thơ. Uyên kể năm 2013 -2014, khi thiết lập trò chơi "Hải đảo trên máy tính", suốt cả tháng, mỗi ngày cô giáo 9X này chỉ ngủ 1-2 giờ.
Bình luận (0)