Theo "truyền thống" từ trước đến nay, trong danh mục chi trả cho giáo viên của các trường không có khoản tiền thưởng Tết. Lý do: Trường không phải là doanh nghiệp, không có nguồn thu thì lấy đâu ra kinh phí để chi. Và vì thế, bao nhiêu năm qua, ngành giáo dục gần như không tồn tại khái niệm thưởng Tết. Những trường có điều kiện, chủ yếu ở TP, thị xã, tận dụng được mặt bằng cho thuê giữ xe, học ngoại ngữ ban đêm, căng-tin..., được Công đoàn tích góp lại, cuối năm chia cho anh chị em vài trăm ngàn đồng. Một số địa phương có nguồn thu tương đối cũng chi cho giáo viên vài trăm ngàn đồng. Nhiều trường ở nông thôn với sự nỗ lực của hội phụ huynh, Tết đến cũng cố gắng dành cho giáo viên phần quà khi là gói trà, gói kẹo nhỏ, chủ yếu để an ủi về mặt tinh thần.
Tết đến, nghĩ đến giáo viên là xót xa
Nghịch lý đó tồn tại một cách tự nhiên trong xã hội ta suốt thời gian qua. Trong khi đó, các doanh nghiệp, kể cả những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đều có tiền thưởng Tết, thưởng lương tháng 13. Ngay cả những đơn vị hành chính sự nghiệp, được khoán biên chế cũng có tiền thưởng Tết. Đó là chưa nói đến những ngành có mức thưởng cao như ngân hàng, điện lực... với những món tiền thưởng từ vài chục triệu đến trăm triệu đồng. Nghịch lý đó càng làm cho giáo viên tủi thân khi mỗi độ Xuân về, Tết đến.
Đã có 1,9 tỉ đồng Chỉ hai ngày sau khi Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân có lời kêu gọi, số tiền mà các doanh nghiệp, cá nhân gửi đến ủng hộ giáo viên đã lên đến 1,9 tỉ đồng. Ông Trần Quang Quý, Chánh Văn phòng Bộ GD-ĐT, chia sẻ: “Vì đây là việc làm có ý nghĩa cao đẹp nên tôi tin những ngày tới các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, những người dân có tấm lòng thơm thảo sẽ còn ủng hộ giáo viên khó khăn nhiều hơn nữa”. Ông Quý cũng cho biết thêm, Bộ GD-ĐT sẽ chuyển cho mỗi tỉnh, TP 50 triệu đồng để giám đốc sở GD-ĐT thực hiện việc hỗ trợ theo đúng đối tượng trước Tết Nguyên đán. |
Bà Hà Thị Lê Nhung, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết Tết năm nay ngành không thể đưa ra mức thưởng mà để các trường tự cân đối. Hiện Sở GD-ĐT Hà Nội đang trình TP cho phép thực hiện chế độ chi tiêu nội bộ với các khoản hỗ trợ từ ngân sách trên đầu học sinh, để các trường có thể tự chủ về tài chính, qua đó phần nào hỗ trợ được cho giáo viên.
Các địa phương chung tay
Trước những khó khăn nằm ngoài tầm giải quyết của ngành, ngày 14-1, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã phải kêu gọi địa phương vận động nguồn thu xã hội hóa để các thầy, cô giáo, nhất là những người công tác ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, có hoàn cảnh gia đình khó khăn, được hưởng một cái Tết ít thiếu thốn hơn ngày thường.
Lời kêu gọi này của một vị lãnh đạo Chính phủ được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, có một thực trạng khác, ở nhiều địa phương trên cả nước, giáo viên thậm chí còn bị nợ vài tháng tiền lương và tiền phụ cấp chứ chưa nói đến được thưởng.
Dù khó khăn như vậy, nhưng các địa phương đã vào cuộc để cố gắng đem lại một cái Tết ấm cúng cho những người đứng trên bục giảng. Bà Huỳnh Thị Ngô Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT TP Cần Thơ, cho biết: “Ngay trong ngày 17-1, Sở GD-ĐT đã có công văn, kèm theo bức thư của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, đưa lên mạng của ngành để kêu gọi các mạnh thường quân, các doanh nghiệp cùng chung tay giúp giáo viên ăn Tết. Chúng tôi đã phân công cán bộ trực ở sở trong những ngày nghỉ cuối tuần để sẵn sàng nhận sự đóng góp quý báu này”. Tại Cà Mau, UBND tỉnh hỗ trợ cho mỗi giáo viên 200.000 đồng ăn Tết.
Một lớp học vùng cao ở phía Bắc, việc dạy và học rất khó khăn, các thầy cô giáo vẫn bám trụ, đứng lớp. Ảnh: C.T.V |
Tại Quảng Nam, UBND tỉnh cũng đã cấp 2 tỉ đồng cho Sở GD-ĐT, đủ để chia cho mỗi giáo viên 100.000 đồng ăn Tết. TP Đà Nẵng khá hơn, đối với giáo viên THPT được hỗ trợ mỗi người 700.000 đồng; riêng giáo viên tiểu học, mầm non được hỗ trợ mỗi người 400.000 đồng; ngoài ra, các quận, huyện tùy theo năng lực tài chính của mình cũng hỗ trợ thêm mỗi giáo viên vài trăm ngàn đồng. TP Đà Nẵng còn tổ chức gặp mặt, thăm hỏi, hỗ trợ tiền cho nhiều giáo viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...
Ông Thái Văn Long, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau, tâm sự: “Đọc thư ngỏ của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, tôi rất đồng cảm. Đó cũng là nỗi trăn trở của tôi lâu nay. Là một người đứng đầu ngành giáo dục của một tỉnh, cũng là một giáo viên lâu năm, mỗi khi Tết đến tôi thấy buồn cho đồng nghiệp, nhưng biết làm sao được. Năm nay, tỉnh đã cố gắng hỗ trợ cho mỗi giáo viên 200.000 đồng ăn Tết, dù số tiền đó ít ỏi nhưng là sự an ủi cần thiết”.
Tại TPHCM, ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục TP, cho biết để hỗ trợ cho 700 cán bộ, giáo viên ở 41 xã khó khăn, Công đoàn Giáo dục đã vận động sự đóng góp của các trường, các doanh nghiệp được 220 triệu đồng, tính ra mỗi giáo viên được 300.000 đồng. Ngoài ra, cán bộ, giáo viên toàn TPHCM cũng được hỗ trợ 500.000 đồng ăn Tết.
Cần có quỹ thưởng Tết cho giáo viên
Làm sao để giáo viên cũng được hưởng tiền thưởng Tết như các ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp khác, là câu hỏi chúng ta phải tìm câu trả lời - dù rất khó, nhưng không thể không làm được. Ông Thái Văn Long phát biểu: “Hy vọng năm sau chúng ta có một phương án nào đó để giáo viên ăn Tết tốt hơn”. Đó là một phát biểu buộc chúng ta phải suy nghĩ.
Việc kêu gọi xã hội lo Tết cho giáo viên là điều nên làm, nhưng không thể Tết nào cũng phải lên tiếng kêu gọi lòng hảo tâm của xã hội. Nghề giáo là một nghề cao quý, họ xứng đáng được thưởng một cách công khai, rõ ràng, minh bạch, chứ không phải nhận những đồng tiền từ lòng hảo tâm. Mặt khác, việc để các trường tự lo thưởng Tết cho giáo viên sẽ đẩy hội phụ huynh học sinh vào chỗ khó, bất cập. Vì vậy, Bộ GD-ĐT, các địa phương cần thiết nên nghiên cứu thành lập những quỹ khen thưởng thường xuyên cho ngành giáo dục, để thưởng Tết cho giáo viên. Chính từ những quỹ này, ngành giáo dục cũng dễ phát động các phong trào thi đua dạy tốt – học tốt, kích thích lao động của thầy cô giáo. Nguồn của những loại quỹ này ngân sách Nhà nước nên đảm nhận phần lớn và sự đóng góp của các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất... Chỉ có vậy, nguồn thưởng Tết cho giáo viên sẽ được ổn định, vị trí của thầy cô giáo sẽ được coi trọng.
Các thầy cô giáo chính là những chiếc máy cái đào tạo nên nguồn nhân lực cho toàn xã hội, vậy tại sao họ không được thưởng Tết xứng đáng?
Tôi cảm thấy rất băn khoăn khi Tết đến... Sắp đến Tết Nguyên đán Kỷ Sửu, trong khi nhiều doanh nghiệp từ quỹ khen thưởng, từ lợi nhuận của mình có thể thưởng hàng trăm ngàn đến hàng triệu đồng cho công nhân, nhân viên, người lao động; thì gần một triệu thầy cô giáo mầm non và phổ thông không có thưởng Tết. Vì vậy, Bộ GD-ĐT trân trọng đề nghị chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND, chủ tịch Ủy ban MTTQ các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, trên cơ sở điều kiện của từng địa phương vận động doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tài trợ và hỗ trợ từ kinh phí địa phương để các thầy cô giáo, nhất là các thầy cô giáo công tác ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, có hoàn cảnh gia đình khó khăn có một cái Tết ít thiếu thốn hơn ngày thường, có được mâm cơm để cúng ông bà tổ tiên, có được chiếc áo mới cho cha mẹ, con cái, có được chiếc bánh chưng, bánh tét ăn ngày mùng một Tết. Là Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, tôi cảm thấy rất băn khoăn khi ngày Tết đến, không góp phần lo được cái Tết cho gia đình của một triệu thầy cô giáo mầm non và phổ thông. Tôi tha thiết đề nghị chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND, chủ tịch Ủy ban MTTQ các tỉnh, TP, quận, huyện bằng khả năng tối đa của mình, góp phần làm cho ngày Tết là những ngày vui hơn của gia đình các thầy cô giáo tại quận, huyện, tỉnh, TP mình sống, để ít đi những giọt nước mắt phải chảy ngược vào trong lòng mỗi khi Tết đến... (Trích thư kêu gọi các địa phương chung tay lo Tết cho giáo viên của Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân. Tựa do Tòa soạn đặt) |
Bình luận (0)