Phóng viên: Thưa ông, nhiều giáo viên cho rằng đổi mới phương pháp dạy học theo phương thức tích hợp, liên môn là nặng nề, quá tải, thậm chí phải soạn lại giáo án?
- Ông Vũ Đình Chuẩn: Trước hết phải nói rằng “dạy học tích hợp, liên môn” không phải là 2 khái niệm tách rời nhau mà chỉ là một khái niệm duy nhất, đó là dạy những nội dung kiến thức liên quan đến 2 hay nhiều môn học. Đã dạy học “tích hợp” thì chắc chắn phải dạy kiến thức “liên môn” và ngược lại, để bảo đảm hiệu quả của dạy liên môn thì phải bằng cách và hướng tới mục tiêu tích hợp.
Ở mức độ thấp thì dạy học tích hợp mới chỉ là lồng ghép những nội dung giáo dục có liên quan vào quá trình dạy học một môn học như: lồng ghép giáo dục đạo đức, lối sống; giáo dục pháp luật; giáo dục chủ quyền quốc gia về biên giới, biển, đảo; giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường, an toàn giao thông... Liên môn là những chủ đề có nội dung kiến thức liên quan đến 2 hay nhiều môn học, thể hiện ở sự ứng dụng của chúng trong cùng một hiện tượng, quá trình trong tự nhiên hay xã hội. Ví dụ: Kiến thức vật lý và kỹ thuật trong động cơ, máy phát điện; kiến thức vật lý và hóa học trong nguồn điện hóa học; kiến thức lịch sử và địa lý trong chủ quyền biển, đảo; kiến thức ngữ văn và giáo dục công dân trong giáo dục đạo đức, lối sống…
Như vậy, trái với một số ý kiến băn khoăn là dạy học tích hợp, liên môn gây quá tải, nếu xây dựng được các chuyên đề liên môn trong chương trình sẽ giúp cho học sinh không phải học lại nhiều lần cùng một nội dung kiến thức các môn học khác nhau, gây quá tải, nhàm chán, không có được sự hiểu biết tổng quát cũng như khả năng ứng dụng của kiến thức tổng hợp vào thực tiễn… Còn việc giáo viên phải soạn lại giáo án thì ngay cả việc dạy các chủ đề đơn môn cũng phải soạn lại do yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh.
Hiện nay, bộ đang triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa, vậy đối với chương trình, sách giáo khoa hiện tại liệu có phù hợp để dạy học liên môn, tích hợp?
- Như đã nói ở trên, dạy học tích hợp, liên môn đề cập đến nội dung dạy học, đến hình thức tổ chức và phương pháp dạy học, đến nội dung và phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập. Chương trình giáo dục nào cũng tồn tại những nội dung kiến thức liên môn, vì vậy việc dạy học tích hợp, liên môn cần phải thực hiện được ngay trong chương trình hiện hành mặc dù việc thiết kế, sắp xếp các nội dung dạy học trong chương trình, trong sách giáo khoa chưa thật sự tạo nhiều thuận lợi cho mục tiêu đó.
Trong chương trình hiện nay, những nội dung kiến thức được đề cập ở 2 hay nhiều môn học được điều chỉnh theo hai hướng: Chỉ dạy kiến thức đó trong một môn học và bổ sung những kiến thức liên quan đến các môn còn lại (đối với những kiến thức liên môn) nhưng có một môn học chiếm ưu thế, không dạy lại ở các môn khác; tách những kiến thức có liên quan ra khỏi các môn học, xây dựng thành các chủ đề liên môn để tổ chức dạy học riêng vào một thời điểm phù hợp song song với quá trình dạy học các bộ môn liên quan.
Để giải quyết được vấn đề liên môn, tích hợp, giáo viên cần phải chuẩn bị như thế nào?
- Khó khăn của giáo viên khi dạy tích hợp, liên môn không nằm nhiều ở vấn đề nội dung mà ở phương pháp dạy. Dạy học theo chủ đề tích hợp, liên môn đòi hỏi giáo viên phải có năng lực trong tổ chức hoạt động học tích cực, tự lực và sáng tạo cho học sinh. Các hoạt động ấy phải được tổ chức ở trong lớp, ngoài lớp, trong trường, ngoài trường, ở nhà và cộng đồng, đặc biệt quan tâm đến hoạt động thực hành và ứng dụng kiến thức vào giải quyết những vấn đề thực tiễn.
Nếu trong dạy học đơn môn, giáo viên đã sử dụng được các phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực để tổ chức hoạt động học của học sinh thay vì dạy học theo lối truyền thụ kiến thức một chiều thì khó khăn này dễ dàng vượt qua.
Bộ sẽ triển khai việc tập huấn giáo viên như thế nào để đạt hiệu quả khi cả nước có đến hơn 800.000 giáo viên phổ thông?
- Việc tập huấn cho giáo viên về xây dựng các chuyên đề tích hợp, liên môn đã được bộ thực hiện từ nhiều năm qua. Hiện nay, bộ đang tiếp tục tổ chức các lớp bồi dưỡng giáo viên cốt cán về xây dựng các chuyên đề dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh, trong đó có xây dựng các chuyên đề tích hợp, liên môn. Đội ngũ giáo viên cốt cán đó sẽ làm nòng cốt để tổ chức sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn trong các nhà trường, qua đó nâng cao năng lực của đội ngũ giáo viên về đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá, thực hiện phương châm “bồi dưỡng tại công việc”.
Để tổ chức và quản lý các hoạt động chuyên môn, bộ đã xây dựng trang mạng giáo dục “Trường học kết nối” để tất cả giáo viên phổ thông đều được tham gia sinh hoạt chuyên môn, tham gia các khóa tập huấn qua mạng để được hỗ trợ trực tiếp từ các chuyên gia, các giảng viên ở các trường sư phạm trên cả nước.
Bình luận (0)