Chiều 4-7, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã tổ chức họp báo sau khi môn thi cuối cùng của kỳ thi THPT quốc gia kết thúc. Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, đề thi đã đạt được yêu cầu của kỳ thi là tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ. Đề thi không đánh đố, vừa sức thí sinh (TS), có tính phân loại cao, đặc biệt nhóm các câu hỏi vận dụng và vận dụng cao. Với đề thi này sẽ tạo được phổ điểm phân bố rộng hơn, tạo điều kiện cho các trường xét tuyển.
“Phép thử” để trao quyền cho địa phương
Trước những băn khoăn về việc các TS bị đình chỉ thi chủ yếu ở cụm thi ĐH, phải chăng thi ở cụm thi tốt nghiệp không nghiêm túc, lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định mức độ nghiêm túc ở cụm thi tốt nghiệp cũng tương đương cụm thi ĐH vì một giám thị ĐH cùng coi thi với một giám thị của sở.
“Đánh giá chung là kỳ thi đã thành công tốt đẹp” - ông Ga nói. Ông Ga cho rằng việc mở rộng cụm thi ĐH ở tất cả địa phương trong kỳ thi năm 2016 là “phép thử” để Bộ GD-ĐT trao quyền cho địa phương và các trường ĐH trong công tác tổ chức thi, tuyển sinh. Tiến tới, Bộ GD-ĐT chỉ làm công việc quản lý nhà nước.
Từ trước đến nay, xã hội vẫn nghi ngại việc tổ chức thi ở các tỉnh, cho rằng không an toàn, không nghiêm túc. Nhưng qua kỳ thi năm nay cho thấy địa phương có thể làm được, đủ cơ sở cả về pháp lý, thực tiễn để tiếp tục đổi mới thi cử trong năm 2017.
“Thực tế những năm qua có một số trường đã chủ động thi, như ĐHQG Hà Nội với kỳ thi đánh giá năng lực. Chúng ta tiến tới bảo đảm có một kỳ thi tốt nghiệp nhẹ nhàng nhất, còn xét tuyển ĐH thì giao các trường tự chủ. Điều này bộ sẽ thảo luận rộng rãi trước khi quyết định cho công tác thi, xét tuyển vào năm tới” - ông Ga nhấn mạnh.
Nói thêm về đổi mới thi, Thứ trưởng Ga cho hay sau kỳ thi năm nay, bộ sẽ gấp rút thảo luận, bàn với các trường, các sở, lấy ý kiến các nhà khoa học để có một kỳ thi nhẹ nhàng nhất cho TS, xã hội. Còn phương thức nào thì bộ sẽ đưa ra sớm nhất sau khi lấy ý kiến. Bộ sẽ công bố sớm nhất, có thể ngay vào đầu năm học 2016-2017 để TS kịp thời học tập, ôn luyện.
Sớm công bố kết quả
Ngay sau khi kết thúc kỳ thi, các cụm thi cho biết đã chuẩn bị lên phương án chấm thi. ThS Phạm Thái Sơn, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, cho biết ngày 5-7, trường tiến hành làm phách, sáng 7-7, họp ban chấm thi, sáng 8-7 chấm thử rồi tiến hành chấm chính thức và hoàn thành việc chấm thi trước ngày 15-7. Năm nay, số lượng giáo viên được huy động chấm thi là 200 người, 50% số này từ các trường THPT Tây Ninh, 50% từ trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM và các trường THPT tại TP HCM.
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, cho biết ngày 6-7, trường sẽ phổ biến quy chế chấm thi, thảo luận đáp án, chấm tập thể khoảng 10 bài sau đó bước vào giai đoạn chấm chính thức với 2 vòng độc lập. Năm nay, trường huy động khoảng 300 giáo viên chấm thi từ Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM và các trường THPT trên địa bàn TP. Dự kiến 18-7 chấm xong.
Ông Lê Văn Hải, đại diện hội đồng thi ĐH Ngân hàng TP HCM tại Sóc Trăng, cho biết trường này sẽ bắt đầu chấm thi từ hôm nay, 5-7.
Theo tiến sĩ Mỵ Giang Sơn, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn, sáng 9-7, trường sẽ triển khai công tác chấm thi, dự kiến kéo dài trong 1 tuần. Giáo viên chấm thi môn toán 150 người, văn 100 người, tiếng Anh 90 người và các môn sử, địa gần 50 người.
ThS Phạm Thị Hạ Nguyên, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế Luật TP HCM, cho biết đã huy động khoảng 100 giáo viên từ Sở GD-ĐT tỉnh Bình Dương, trường sẽ hoàn tất chấm thi trước ngày 20-7 để kịp công bố theo lịch của Bộ GD-ĐT.
Trường ĐH Bách khoa TP HCM năm nay chủ trì cụm thi tại TP HCM cho hơn 15.000 TS. Ngay sau môn thi đầu tiên, trường đã tiến hành làm phách để bảo đảm thi xong môn nào làm phách xong môn đó. Ngày 6-7, trường tập huấn cán bộ chấm thi để ngày 7-7 bắt đầu chấm. Trường đã huy động 400 giáo viên tham gia chấm thi.
Tại Trường ĐH Sư phạm TP HCM, từ ngày 2-7 đã tiến hành làm phách để bảo đảm hoàn tất sau 5 ngày. PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, hiệu trưởng nhà trường, cho biết ngày 8-7, trường sẽ tập huấn cho cán bộ chấm thi và bắt tay vào chấm thi ngay sau đó. Cụm thi của trường năm nay có trên 18.500 TS nên trường đã huy động gần 500 giáo viên (cả trong và ngoài trường) tham gia chấm.
Tại cụm thi Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP HCM, công việc làm phách đã được thực hiện. Dự kiến ngày 7-7 bắt đầu chấm và 15-7 chấm xong.
Trường ĐH Nông Lâm TP HCM ngày 6-7 triển khai công tác làm phách, xử lý bài thi (tự luận và trắc nghiệm) và chấm thi từ ngày 9-7 và dự kiến sẽ xong trước ngày 18-7. Trường huy động 149 giáo viên của Trường ĐH Nông Lâm cùng giáo viên THPT của TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Thuận, Gia Lai.
20 -7, hoàn tất chấm thi
Liên quan đến việc chấm thi và công bố kết quả, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết bộ đã yêu cầu các trường chuẩn bị đội ngũ và điều kiện cần thiết. Việc chấm thi sẽ tiến hành ngay ngày 5-7, bảo đảm chậm nhất đến 20-7 phải hoàn tất.
Về công bố điểm thi, khi có kết quả chấm thi, bộ sẽ tổng hợp dữ liệu, sau đó chuyển về cho cả 70 cụm thi ĐH công bố, do đó không lo bị “sập mạng” khi công bố điểm thi. Bộ cũng yêu cầu các địa phương chỉ đạo các đơn vị hạ tầng công nghệ thông tin ưu tiên khoảng 15-20 phút đầu tiên khi công bố điểm thi cho các cụm thi công bố điểm để tránh nghẽn mạng.
Bình luận (0)