Sau khi Thủ tướng Chính phủ có chỉ thị về triển khai kết luận của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, ngày 23-1 tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội nghị triển khai chiến lược phát triển giáo dục và kết luận 51-KL/TW để lắng nghe ý kiến từ nhiều địa phương.
Sở GD-ĐT thiếu quyền
Lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Nam Định cũng bức xúc: “Ngành giáo dục chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo nhưng lại không có quyền điều động giáo viên, tiền cũng không do ngành giáo dục quản lý mà phụ thuộc vào UBND huyện. Một giám đốc sở GD-ĐT khác cho biết nhiều lãnh đạo phòng GD-ĐT ở các huyện phàn nàn rằng một khi không được giao quyền tự chủ thì cũng đồng nghĩa với việc đừng mơ đến tự chịu trách nhiệm. Bất cập xảy ra ở các khâu, từ biên chế, tuyển chọn nguồn giáo viên... và đặc biệt là vấn đề tự chủ về tài chính, tái đầu tư cho cơ sở vật chất. “Việc tuyển dụng công chức giao cho UBND huyện thì đa phần chỉ tuyển ở địa phương mình mà không nhận con em nơi khác, tạo kẽ hở cho chuyện nể nang, quen biết” - giám đốc sở này nói thêm.
Nặng về hành chính
Ông Nguyễn Xuân Trạch, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông nghiệp, cho rằng sức ì nội tại lớn chính là một trong những cản trở quá trình đổi mới. “Sức ì này ở trong tư duy, nhận thức. Cũng có những cán bộ, giáo viên nhận thức sức ì đó nhưng không muốn đổi mới vì sợ mua dây buộc mình” - ông Trạch nói.
Theo ông Trạch, tiêu cực đã tràn vào nhà trường, việc tuyển dụng, đề bạt cán bộ còn nhiều bất cập. Ở cấp sau ĐH thường gọi là “học giả”. Mục đích của người học lúc này không phải là tích lũy kiến thức, kỹ năng mà là tích lũy bằng cấp. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho biết trường này sẵn sàng cam kết về chất lượng đào tạo với xã hội nhưng hiện đang có tình trạng đánh đồng về bằng cấp mà việc đánh giá kết quả học tập ở các trường ĐH lại có sự chênh lệch nhau, trường đánh giá “chặt”, trường đánh giá “lỏng”. Do vậy, sinh viên ra trường gặp khó khăn khi đi xin việc.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận kêu gọi các hiệu trưởng tôn trọng thương hiệu, uy tín của trường mình cũng như chất lượng bằng cấp. “Bằng giỏi nhiều quá thì xã hội không tin. Chúng tôi đang cân nhắc có nên miễn thi cái này, cái khác với những người tốt nghiệp bằng giỏi hay không” - người đứng đầu ngành giáo dục nói.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng những yếu kém của giáo dục là chưa tạo ra lợi thế cạnh tranh. “Chúng ta chưa hài lòng với chất lượng nhân lực mà nguyên nhân do tư duy giáo dục chậm đổi mới. Giáo dục còn nặng về hành chính, chưa tạo được sự chủ động, đòi hỏi từ bên trong của ngành giáo dục, đó chính là sức ì lớn” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhiều yếu kém trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012
Báo cáo về tình hình thi cử, Bộ GD-ĐT thừa nhận nhiều yếu kém trong việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012, trong đó, công tác coi thi là một trong những khâu yếu kém nhất. Một số lượng đáng kể bài thi có kết quả công bố khác biệt so với kết quả chấm thẩm định của Bộ GD-ĐT, có nhiều bài thi công bố cao hơn từ 1-2, thậm chí 3 điểm so với đáp án, thang điểm. |
Giao lưu trực tuyến “Cơ hội nào cho thí sinh?” Vào 14 giờ ngày 24-1, chương trình “Đưa trường học đến thí sinh 2013” tiếp tục diễn ra với buổi giao lưu trực tuyến thứ 2 mang chủ đề “Tuyển sinh ĐH-CĐ 2013: Cơ hội nào cho thí sinh?” do Báo Người Lao Động phối hợp với Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM (HUTECH) tổ chức. Các chuyên gia tuyển sinh, hướng nghiệp sẽ giúp thí sinh nhìn nhận rõ hơn khả năng, sở thích của bản thân, từ đó cùng thí sinh chọn một ngành học phù hợp. Bên cạnh đó, đại diện các trường cũng tư vấn cho thí sinh những cơ hội trúng tuyển và các ngành học yêu thích, thủ tục đăng ký hồ sơ, mã ngành, khối thi, đợt thi… và những điểm mới cần lưu ý trong mùa tuyển sinh năm nay. |
Bình luận (0)