Thầy Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng Tổ Lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3), lưu ý: Khi ôn tập môn lịch sử, việc hệ thống hóa kiến thức là điều vô cùng quan trọng. Năm nay, do môn lịch sử thi theo hình thức trắc nghiệm nên kiến thức sẽ dàn trải mà không tập trung vào trọng tâm nào.
Lịch sử: Lưu ý các mệnh đề dẫn
Theo thầy Du, việc hệ thống hóa kiến thức có thể thực hiện theo các cách: tóm tắt bảng - tức là sau mỗi chương, học sinh (HS) nên thực hiện một bảng tóm tắt; so sánh điểm giống nhau và khác nhau giữa những thuộc tính lịch sử. Nếu không dùng bảng thì dùng sơ đồ tư duy - tức là nắm được sự kiện trong những giai đoạn lịch sử, ý nghĩa của các sự kiện đó.
Thầy Du cho biết trong đề thi minh họa mà Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố trước đó, có câu dùng ý nghĩa của một sự kiện lịch sử để dẫn vào đề.
Thầy Du lưu ý sau mỗi giai đoạn lịch sử, HS phải vẽ sơ đồ bởi mỗi câu trong bài thi có thể sẽ được sắp xếp theo giai đoạn thời gian diễn ra sự kiện (đây là điểm khác so với mọi năm). Ngoài ra, HS cũng cần lưu ý những mệnh đề phản, như: “Chiến dịch nào không phải là…”. Vì thế, HS phải đọc kỹ yếu tố đường dẫn của câu trắc nghiệm.
Đối với kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm, thầy Du lưu ý HS phải phân bố thời gian hợp lý. Phần lịch sử thế giới chỉ chiếm 4 điểm nên nếu khó quá thì HS nên chuyển qua các câu hỏi về lịch sử Việt Nam. Điều cần thiết nhất là kỹ năng tổng hợp và ghi nhớ, tránh học thuộc lòng.
Giáo dục công dân: Lồng thực tế vào
Đối với môn giáo dục công dân, cô Nguyễn Thị Hồng Châu, Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3), lưu ý: Giáo viên (GV) và HS nên tránh kiểu dạy và học đọc - chép. Ngoài nắm vững kiến thức trong sách, ôn kỹ từng bài (chỉ trừ những phần giảm tải), HS cần phải biết liên hệ với các tình huống thực tế.
Theo cô Châu, HS cần học từng bài, nắm chắc nội dung bài đó, ghi chép cẩn thận những ý chính, những nội dung GV nhấn mạnh, lưu ý. Các em cũng có thể đặt những câu hỏi với GV về các vấn đề mình chưa nắm chắc ngay trong giờ học để được giải đáp. Đồng thời, HS nên cập nhật kiến thức thực tế vào bài học và kết hợp kiến thức của môn sử, địa vào bài thi.
Về cách làm bài thi, căn cứ đề minh họa mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra, có thể thấy đề thi có 40 câu với lượng thời gian 50 phút làm bài. Nếu HS học kỹ, hiểu kỹ thì thời gian làm bài khoảng 40-45 phút là xong. HS có thể dành một ít thời gian còn lại để dò bài trước khi nộp thì với lượng thời gian 50 phút là đủ.
Đề minh họa 40 câu trắc nghiệm hay lồng ghép thực tế và vừa sức đối với HS. Câu hỏi của đề thi dàn trải từ bài 1 đến bài 10 trong chương trình lớp 12.
Cô Trương Thị Cẩm Thu, GV Trường THPT Tân Phong (quận 7), cho rằng HS tuyệt đối không nên học thuộc lòng. Các em nên bám sát chương trình lớp 12, đi vào trọng tâm của từng bài học để nắm bản chất của mỗi bài. HS cũng nên lưu ý các câu hỏi liên quan đến việc sử dụng kiến thức được học để giải những tình huống trong thực tế, như: phát hiện một cơ sở chế biến thực phẩm bẩn thì dùng quyền gì để tố cáo…
Địa lý: Không được học tủ
Theo thầy Trần Văn Quang, GV Trường THPT Nguyễn Khuyến (quận Tân Bình), đề thi trắc nghiệm trải dài toàn chương trình nên HS không thể học tủ được.
Sau mỗi bài học, HS nên trả lời những câu hỏi nhỏ, lưu ý các chi tiết chính yếu. Ví dụ: Vùng núi Đông Bắc có hướng gì? Hai quần đảo xa bờ của nước ta là…? Lập sơ đồ tư duy cho từng bài, từng chương với những nét chính yếu trước. Quan tâm những mối quan hệ giữa các đối tượng địa lý, như khí hậu có ảnh hưởng gì đến địa hình, sông ngòi, sinh vật; vị trí có thuận lợi gì trong việc phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng…? Học đều từng phần, tránh việc học dồn vừa mệt vừa dài lại khó có hiệu quả.
Cách làm bài: Nắm vững kỹ năng đọc Atlat. Vì mỗi câu chỉ có 1 phút 15 giây nên nếu làm câu Atlat (có thể 4-8 câu) mà không quen đọc, các em có thể mất nhiều thì giờ mà vẫn đọc sai. Các câu Atlat làm sau cùng và làm cùng lúc để khỏi phải mở, đóng Atlat nhiều lần, mất thì giờ. Trước hết, HS cần thuộc trang 3 cuốn Atlat (các ký hiệu chung) để đỡ mất thì giờ tra lại. Môn địa lý có các tính toán về số liệu nên các em cần nhớ công thức và mang theo máy tính. HS cũng cần lưu ý đọc kỹ đề, kỹ năng nhận xét biểu đồ, bảng số liệu…n
Bình luận (0)