Vợ và con Phó Giáo sư, Nhà giáo Ưu tú Đỗ Văn Nhung cho biết đó là thói quen bao năm nay của thầy, khi đã nghỉ hưu vẫn giữ. Đồng nghiệp của thầy nói vui: Đó là nếp quen kham khổ thời xưa đến khi không thiếu thốn gì nữa vẫn không bỏ được. Học trò thì kháo nhau: Đó là tính cách của người học suốt đời.
Còn nhớ có lần Khoa Lịch sử mời đến dự ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 và nói chuyện với sinh viên, học viên; thầy "lôi" trong túi áo ra mảnh giấy rồi hỏi: "Các bạn có biết cái gì đây không?". Ai cũng nói: "Thưa thầy, đó là tờ lịch". Thầy cười bảo: "Tờ lịch cũ trong túi áo thì không còn là tờ lịch các nhà sử học ạ, nó là bài học tiếng Anh của tôi đó". Các sinh viên và cán bộ trẻ ngồi nghe chột dạ, vì thấy trong túi áo mình chẳng có gì.
Dù đã về hưu nhưng thầy vẫn hay đến Khoa Lịch sử, uống trà hàn huyên với học trò giờ là cán bộ khoa. Thầy hỏi xem cán bộ trẻ bây giờ học hành thế nào, nghiên cứu nhiều không. Thầy rút trong túi ra tờ lịch cũ ghi chi chít chữ học tiếng Anh, chìa ra cho mọi người xem. Ai cũng trố mắt nhìn thầy, nhìn nhau.
Thầy chẳng nhớ đã dùng bao nhiêu tờ lịch cũ như thế trong 50 năm. Chỉ biết rằng, 6 cuốn sách và giáo trình đại học cùng với 30 bài báo khoa học đã được thầy công bố, thuộc 4 lĩnh vực chuyên sâu (lịch sử thế giới cổ trung đại và lịch sử văn minh, lịch sử Đông Nam Á, nghiên cứu về biên giới, nghiên cứu Phật học). Công trình nào, lĩnh vực nào cũng phải hàng chục năm tận tâm tận lực và không thiếu bí quyết từ việc tự học.
Thầy nói vui về chuyện "Tam gia Đông Nam Á": Thập niên 1960-1970, có 3 người nghiên cứu sâu và giảng dạy nhiều về lịch sử các nước Đông Nam Á (Đỗ Văn Nhung - Trần Xuân Cầu - Nguyễn Văn Hồng). Sinh viên từ Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đến Trường Đại học Tổng hợp TP HCM đều nói với nhau đó là "bộ ba" mà họ phải học để biết thế nào là Đông Nam Á.
Chỉ có điều, lúc đầu mới học thì sinh viên "rất sợ" vì sự nghiêm khắc và yêu cầu cao trong học tập của thầy. Sau đó, họ "rất mê" khi thực sự vào học và nghiên cứu; rồi "nhớ đời" vì rất bổ ích khi kết thúc môn học. Trong đó, ai cũng không quên câu chuyện tờ lịch của thầy Đỗ Văn Nhung.
Hôm đến nhà thầy lấy tư liệu làm sách mừng thượng thọ, chúng tôi được nghe chuyện thầy đi bán báo ở Vân Đình, Cống Thần, Chợ Đại, Đồng Quan, thấy người ta được đi học mà thèm muốn được đi học. Thế là có thầy giáo của Trường Trung học đệ nhất cấp cho thầy vào "học chui". Vậy mà 4-5 năm sau, thầy đủ sức thi và đỗ tú tài ban sinh ngữ hạng Bình Thứ (assez bien), với tư cách thí sinh tự do.
Thói quen tự học từ đó theo mãi "anh tú" Đỗ Văn Nhung đến tận bây giờ. Vừa tiếp khách, thầy vừa đứng dậy xé tờ lịch trên tường và viết vào mặt sau rồi cho vào túi, đi lên đi xuống cứ nhẩm nhẩm học.
Nhưng tờ lịch của gia đình thầy - ở số 671/11 Nguyễn Kiệm, phường 9, quận Phú Nhuận TP HCM - từ ngày 19-4-2022 không có người bóc theo nếp quen làm bài học bỏ túi nữa - Thầy đã ra đi mãi mãi về cõi vĩnh hằng lúc 19 giờ 40 phút, thượng thọ 91 tuổi.
Thắp nén hương thơm nhớ hương hồn thầy, lớp lớp học trò chúng em - những người làm công tác nghiên cứu và giảng dạy đại học - vẫn mãi mãi nhớ và làm theo những điều thầy dặn từ hơn 10 năm trước.
Thầy bảo: Giảng dạy không đơn thuần là truyền đạt kiến thức và phổ biến khoa học, mà còn phải gợi mở cho người học những suy nghĩ để tìm tòi và khám phá cái mới; nên cố gắng lắng nghe những điều khác với sách vở, phải biết vượt qua kiến thức trong sách vở để làm chủ kiến thức.
Thầy nói: Không có phát minh khoa học cuối cùng và cũng không có học thuyết nào là cuối cùng. Nếu chỉ biết lặp lại hay bắt chước những người đi trước thì mãi mãi chỉ là người đi sau hoặc là cái bóng của người khác.
Thầy khuyên: Cần xây đắp một gia đình ổn định, bình yên và hạnh phúc làm chỗ dựa vững chắc cho sự nghiệp của một người làm khoa học.
Bình luận (0)