14 năm trước, trong chương trình "Ước mơ của Thúy" do Báo Tuổi trẻ và Bệnh viện Ung bướu TP HCM tổ chức, nhà báo Tố Oanh đã mời cô giáo Đinh Thị Kim Phấn - khi đó đang là giáo viên Trường Tiểu học Đuốc Sống (quận 1) - đứng ra nhận một lớp học đặc biệt: Lớp học của bệnh nhi ung thư.
Một vai hai gánh
Tuy vẫn phải cáng đáng công việc tại trường nhưng cô Phấn đã nhận lời ngay lập tức cho dù biết sẽ không có khoản phụ cấp nào và phải làm quen với một môi trường mới: trường học trong bệnh viện. Nhà trường cũng đã tạo điều kiện cho cô "công tác" một vai hai gánh. Đến khi về hưu, cô Phấn dành toàn tâm toàn ý cho lớp học đặc biệt này.
Nhớ lại ngày đầu tiên đến nhận lớp, cô Phấn bày tỏ: "Khi thấy các bé trên đầu không có tóc, tay thì đeo chai thuốc truyền, tôi rất xúc động và cảm thấy hơi rờn rợn vì sợ chạm vào làm các bé đau. Tuy các bé trong người rất mệt nhưng đều ham học, tôi cảm nhận được điều đó qua từng ánh mắt thơ ngây. Tôi về chuẩn bị giáo án, sách vở, bút, màu... để bắt đầu lớp học ngay hôm sau với môn toán và tiếng Việt".
Cô Phấn đã gắn bó với bệnh nhi ung thư gần 14 năm nay. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Bức tranh “Em học online” do một bệnh nhi vẽ
Lớp học của cô Phấn luôn rộn ràng, đặc biệt là phần vui chơi, múa hát, các bé đều rất hăng say. Cuối giờ học, cô lại phát các phần quà sữa, bánh kẹo mà những nhà hảo tâm gửi tặng các bé.
Lớp học đặc biệt của cô giáo Phấn không có tiếng trống trường mà chủ yếu là tiếng la hét, khóc rồi cười của bệnh nhi mỗi khi phải truyền hóa chất. Để các bé không nhỡ buổi học nào, cô Phấn thường dặn y tá trước buổi học một ngày hãy truyền thuốc tay trái, còn tay phải các em cầm bút. Có những buổi học có tới 8 học sinh tay truyền thuốc, tay cầm bút mà cô thương các bé vô cùng.
Chị Nguyễn Thị Hằng, phụ huynh bệnh nhi Nguyễn Nữ Tâm Di, nhớ lại: "Buổi sáng bé vẫn còn truyền thuốc nhưng nhớ buổi chiều học, thế là ngắt thuốc qua học luôn. Được học, bé phấn khởi lắm. Từ lúc theo học lớp này, tinh thần bé tốt lên rất nhiều".
Cô Phấn tâm sự: "Mọi vui buồn, ước mơ các bé đều kể với tôi, rồi tôi lại động viên các bé chăm ngoan học giỏi, cho dù biết rằng có bé không đủ thời gian để thực hiện ước mơ".
Ban đầu, lớp học chỉ dạy học sinh lớp 1 để các em biết viết tên của mình và cha mẹ nhưng rồi mở rộng thêm học sinh lớp 2 đến lớp 9. "Đôi lúc dạy học chỉ là cái cớ tập trung các bé lại cùng học, cùng vui chơi để quên đi cơn đau đớn, mệt mỏi. Tôi chỉ mong các bệnh nhi sớm được trở về nhà, lâu lâu mới phải vào viện một lần, chứ bé nào ở đây thường xuyên, tôi buồn lắm" - cô Phấn thổ lộ.
Điều xúc động nhất mà phụ huynh nhận lại từ lớp học chính là các kỷ vật của con mình từ tay cô giáo, như bức tranh, nhật ký, đồ cắt dán tự làm... Tập vở của các bệnh nhi xấu số đều được cô Phấn cất giữ cẩn thận, bìa ngoài là bức ảnh đáng yêu của các bé. Đến nay, số tập vở của các bé được cô Phấn lưu lại đã cả trăm khiến cho ai nhìn vào đều xúc động, không kìm nổi nước mắt.
Nụ cười còn mãi...
Do một số điều kiện khách quan, lớp học đã chuyển xuống một khu nhà trọ tại Suối Tiên, TP Thủ Đức - ngay sau cơ sở 2 của Bệnh viện Ung bướu TP HCM, cách nhà cô Phấn ở quận 1 khá xa. Đã bước sang tuổi 68, tay yếu mắt mờ, cô chẳng thể nào đi xe máy tới Suối Tiên nhưng quyết không bỏ lớp, cho dù có một số tình nguyện viên rất năng nổ tại lớp học.
"Tôi đón xe buýt tới Suối Tiên mất gần 30 phút, sau đó đi bộ khoảng 1 km thì tới lớp học. Tuy mất công chút nhưng đổi lại, tôi được niềm vui khi gặp các bé. Cuộc sống của một số bệnh nhi không dài nên phải hết sức trân trọng từng phút giây bên các bé. Khi chọn nghề giáo phải hết mình, với các bệnh nhi phải dạy chừng mực vừa đủ, nhẹ nhàng bởi các bé sức khỏe rất yếu" - cô Phấn bộc bạch.
Chị Hồ Thị Vân Khánh, giáo viên Trường Tiểu học Dĩ An (tỉnh Bình Dương) - tình nguyện viên tại lớp học cô Phấn, không giấu được xúc động: "14 năm dạy học cho bệnh nhi ung thư của cô Phấn là việc làm rất cao cả, thế hệ trẻ như chúng em cần phải noi theo. Em hy vọng sau này cũng thật mạnh mẽ, đủ tinh thần thiện nguyện giống cô để có thể giúp đỡ được nhiều bệnh nhi".
Chị Nguyễn Thanh Trúc, một tình nguyện viên khác, cho biết: "Tôi đồng hành với cô Phấn được 10 năm rồi, được cùng cô trải qua rất nhiều cảm xúc khác nhau khi tiếp xúc các bệnh nhi. Tôi học được một bài học từ cô rằng sẽ không bao giờ bỏ cuộc. Các bệnh nhi dù mang trong mình bệnh tật, rất mệt mỏi, đau đớn nhưng cũng vẫn cố vươn lên học hành".
Khác với những lớp học thông thường luôn muốn đông học sinh, lớp học của cô giáo Phấn chỉ mong vắng học sinh đầu vào. Có lần, khi phải dạy nhờ trong phòng bệnh nhân đông đúc, họ nói việc sống chết còn chưa biết còn dạy học làm chi! Song, cô Phấn chẳng để bụng, vẫn miệt mài với công việc. Với cô, mỗi phút giây còn sống của các bệnh nhi thì hãy để niềm vui ngự trị. Nếu chẳng may phải đi xa thì các bé hãy chào cha mẹ bằng nụ cười ấy trước khi lên thiên đàng…
Mong có người tiếp nối
Hiện nay, lớp cô Phấn ở Suối Tiên có 20 bé và học trực tiếp vào sáng thứ bảy hằng tuần. Riêng các bé không còn cơ hội đến trường nữa thì cô kèm trực tuyến hằng ngày.
Ngoài học toán, tiếng Việt, các bé còn được học mỹ thuật, Anh văn, tiếng Nhật bằng hình thức trực tuyến hằng tuần bởi một số cô giáo khác. Ngay trong đại dịch COVID-19, lớp học vẫn được duy trì bằng hình thức trực tuyến. Cô Phấn chỉ có mong muốn cuối đời rằng nếu mình không còn nữa thì sẽ có các giáo viên, tình nguyện viên tiếp tục công việc của cô.
Gần 14 năm qua, biết bao bệnh nhi đã phải dang dở lớp học. Có bé hôm trước vẫn khỏe mạnh lên lớp, hôm sau đã rời xa cuộc đời. Cũng có không ít bé khỏe mạnh, học tập giỏi vẫn luôn nhớ về một người mẹ hiền của bệnh nhi ung thư.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)