Dự án Bữa ăn học đường do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế) và Công ty Ajinomoto Việt Nam thực hiện và triển khai từ năm 2012. Dự án bao gồm các nội dung: Phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng, áp phích Ba phút thay đổi nhận thức và xây dựng bếp ăn mẫu bán trú theo tiêu chuẩn Nhật Bản.
TP HCM là một trong những tỉnh, thành đầu tiên được lựa chọn thí điểm triển khai dự án Bữa ăn học đường từ năm 2015 và chính thức triển khai toàn thành phố từ năm 2017. Nhằm đánh giá hoạt động triển khai, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện dự án Bữa ăn học đường năm học 2019-2020, cũng như định hướng triển khai dự án trong năm học 2020-2021, Ban Dự án đã phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM tổ chức Hội nghị tập huấn công tác truyền thông chiến lược quốc gia về dinh dưỡng dành cho học sinh tiểu học 2020-2021.
Ông Trịnh Duy Trọng - Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM - phát biểu tại hội nghị
Theo báo cáo tại hội nghị, tính đến tháng 9-2020, 343/435 trường tiểu học bán trú toàn thành (chiếm tỉ lệ 79%) đang áp dụng Phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng trong công tác bán trú và 347/435 trường (chiếm tỉ lệ 80%) đang sử sụng áp phích giáo dục dinh dưỡng "Ba phút thay đổi nhận thức" để hướng dẫn kiến thức dinh dưỡng về thực phẩm cho các em học sinh.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trịnh Duy Trọng - Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM - đánh giá cao những lợi ích thiết thực mà dự án mang lại và thúc đẩy các trường tiểu học tiếp tục triển khai những nội dung của dự án, hướng đến mục tiêu tất cả trường tiểu học bán trú trên địa bàn thành phố đều áp dụng thực đơn cân bằng dinh dưỡng cho bữa ăn học đường của các em.
Đại diện Ban Dự án báo cáo kết quả triển khai dự án Bữa ăn học đường năm học 2019-2020
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Ngọc Hiền - Hiệu phó Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Q.11, TP HCM) đã chia sẻ lại kinh nghiệm và kết quả áp dụng dự án. Việc áp dụng Phần mềm đã cung cấp cho nhà trường một nguồn thực đơn chuẩn, phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu năng lượng và dinh dưỡng cho học sinh. Các thực đơn phù hợp với mức thu hiện nay cũng như nguồn nguyên liệu không cầu kỳ, dễ tìm và đáp ứng được nhu cầu chế biến của bếp ăn.
Đại diện nhà trường cũng nhấn mạnh tính cần thiết của việc áp dụng áp phích Ba phút thay đổi nhận thức trong giáo dục kiến thức dinh dưỡng cho học sinh. Những thông tin dinh dưỡng được giới thiệu từ áp phích và video của dự án đã góp phần thay đổi thói quen ăn uống của các em, giúp các em ăn uống khoa học và lành mạnh hơn, nhất là thói quen ăn nhiều rau củ quả.
Tuy vậy, theo bà Hiền, phụ huynh học sinh vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa của các thực đơn cân bằng dinh dưỡng. Các em học sinh thường được gia đình cho ăn uống theo sở thích và thói quen. Việc thay đổi nhận thức và làm quen với thực đơn nhiều rau củ cần thêm thời gian.
Sau một thời gian triển khai áp dụng dự án, nhà trường đã ghi nhận dược những chuyển biến tích cực trong nhận thức của học sinh. Các em đã dần quen với bữa ăn có nhiều rau củ hơn so với trước đây.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hiền - Hiệu phó Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Q.11, TP HCM) tham luận tại hội nghị
Với những lợi ích thiết thực mà dự án mang lại, Ban Dự án hy vọng trong thời gian tới "Bữa ăn học đường" sẽ tiếp tục được triển khai sâu rộng hơn nữa TP HCM cũng như các tỉnh, thành khác trên toàn quốc, góp phần cải thiện và nâng cao tầm vóc cho thế hệ tương lai Việt Nam.
Được biết, Ban Dự án đã và đang mở rộng thêm đối tượng thụ hưởng lợi ích mà dự án mang lại. Dự án đã phối hợp tổ chức nhiều hội thảo để giới thiệu và hướng dẫn sử dụng Phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng dành cho bác sĩ, cán bộ y tế phụ trách về dinh dưỡng tại các bệnh viện, cơ quan chăm sóc về dinh dưỡng, sức khỏe cũng như giảng viên, sinh viên tại các trường đại học/cao đẳng đào tạo chuyên ngành dinh dưỡng trên toàn quốc. Đây được xem là nguồn thông tin hữu ích phục vụ cho quá trình công tác, giảng dạy và thực hành về dinh dưỡng tại các tổ chức.
Bình luận (0)