Sở GD-ĐT TP HCM vừa có văn bản hướng dẫn các trường tiểu học tại TP HCM về việc tổ chức dạy học trên Internet sau khi có lệnh ngừng đến trường của UBND TP HCM nhằm phòng chống dịch Covid-19.
Tập trung chủ yếu vào 3 môn
Theo hướng dẫn của sở GD-ĐT, trong thời gian học sinh ngừng đến trường, hiệu trưởng các trường có trách nhiệm chỉ đạo mỗi giáo viên xây dựng kế hoạch dạy học trực tuyến bằng nhiều giải pháp khác nhau, tập trung cho các môn học theo khối lớp. Cụ thể, đối với khối lớp 1, 2, 3 là các môn toán, tiếng Việt, ngoại ngữ; khối lớp 4, 5 tập trung vào môn toán, tiếng Việt, ngoại ngữ, khoa học, lịch sử và địa lý. Đối với những trường có điều kiện, khuyến khích giáo viên các môn khác cùng tham gia thực hiện dạy học trực tuyến.
Phòng GD-ĐT các quận, huyện cần xây dựng kế hoạch phối hợp nhằm khai thác hợp lý, hiệu quả những bài dạy của giáo viên, có thể tổ chức phân công theo từng cụm trường để tiết kiệm sức lao động, khai thác hệ thống bài giảng qua internet đã được chia sẻ tại trang thông tin điện tử của sở GD-ĐT.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP HCM cũng yêu cầu tùy theo điều kiện của nhà trường, giáo viên và học sinh có thể chủ động chọn hoặc phối hợp thực hiện các giải pháp như:
Dạy học trực tuyến: Nhà trường sắp xếp thời gian tổ chức dạy học trực tuyến phù hợp, thuận tiện với thời gian học tập của học sinh, thông báo thời gian biểu cụ thể đến phụ huynh để hỗ trợ hoạt động học tập của học sinh.
Giáo viên cung cấp tài liệu, học liệu, thực hiện hoạt động dạy học và phát trực tiếp thời gian thực thông qua các ứng dụng hỗ trợ. Học sinh tham gia vào các phòng học trực tuyến, thực hiện các hoạt động học tập dưới sự hướng dẫn trực tiếp của giáo viên. Giáo viên có thể bổ sung thêm các bài tập tương tác giúp học sinh luyện tập kiến thức đã học.
HS TP HCM bắt đầu học trên Internet từ ngày 17-2
Ngoài ra, giáo viên cũng có thể xây dựng các video học tập và đăng tải trên các trang thông tin điện tử (cổng thông tin điện tử của nhà trường), kèm theo hệ thống các bài tập tương tác xây dựng từ các biểu mẫu trực tuyến (Microsoft Form, Google Form hoặc công cụ khác), đồng thời theo dõi, đánh giá, nhận xét quá trình học tập của học sinh thông qua các kết quả. Hoặc sử dụng các công cụ, ứng dụng OTT trên điện thoại (ví dụ Facebook , Zalo, Viber, Skype…) để giao các bài giảng, bài tập rèn luyện cho học sinh thực hiện tại nhà trong thời gian ngừng đến trường; thông qua các hệ thống ứng dụng OTT, học sinh và giáo viên có thể trao đổi, giải đáp thắc mắc, giúp học sinh lĩnh hội kiến thức.
Ngoài các biện pháp trên, tùy theo điều kiện cụ thể của nhà trường có thể sử dụng nhiều biện pháp, ứng dụng khác đáp ứng được nhu cầu học tập, rèn luyện kiến thức của học sinh.
Dạy học vào khung thời gian không gây khó khăn cho HS
Đặc biệt, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP HCM cũng nhấn mạnh việc tổ chức dạy học trên Internet cần bảo đảm theo đúng quy định kế hoạch thời gian năm học, tổ chức vào các khung thời gian không gây khó khăn cho học sinh tiểu học, giúp học sinh chiếm lĩnh kiến thức bài học và được tổ chức rèn luyện, đánh giá phù hợp.
Với những địa phương và các khối lớp còn khó khăn, giáo viên có thể xây dựng, thiết kế các hoạt động và hệ thống bài tập qua tin nhắn, thư điện tử, các phương tiện khác... hoặc in sao trên giấy và gửi đến cho cha mẹ học sinh.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó GĐ Sở GD-ĐT TP HCM, trong thời gian học sinh học tập trên Internet, việc kiểm tra, đánh giá chỉ nhằm mục đích ôn tập, củng cố kiến thức của học sinh. Còn việc lấy điểm số thì chờ đến khi học sinh học tập trung tại trường sẽ có hướng dẫn tiếp theo.
Sở GD-ĐT TP HCM yêu cầu tổ chức dạy học trên Internet vào khung thời gian không gây khó khăn cho HS
Trước đó, ngày 14-2, UBND TP HCM đã ban hành văn bản, cho phép học sinh, sinh viên, học viên các cơ sở giáo dục và giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tiếp tục dừng đến trường từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đến hết ngày 28-2, tiếp tục học trên Internet để bảo đảm kế hoạch thời gian năm học.
Bình luận (0)