Ông Phạm Ngọc Tiến, Phó Phòng Trung học Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM - người tham gia biên soạn bộ sách giáo khoa (SGK) của TP HCM, cho biết trước đây, nhóm biên soạn dựa theo dự thảo chương trình phổ thông tổng thể do Bộ GD-ĐT công bố để hình thành, dự kiến cấu trúc từng môn học. Vì vậy, ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố chương trình khung chi tiết chính thức vào ngày 27-12, lập tức TP bắt tay vào biên soạn sách.
Tăng tự học, giảm thuộc lòng
Ông Tiến cho rằng việc biên soạn vẫn có sự tham gia từ NXB Giáo dục Việt Nam, Bộ GD-ĐT vẫn thẩm định theo quy trình và khi bộ sách hoàn thành, cũng không bắt buộc các trường sử dụng. Ngoài ra, các địa phương cũng có thể sử dụng hoặc không. Hỏi về tiến độ khi nào có cuốn sách đầu tiên, ông Tiến cho biết còn tùy thuộc lộ trình của bộ quy định. Trong khi đó, một chuyên viên môn ngữ văn của Sở GD-ĐT TP, cùng tham gia biên soạn SGK thông tin đến thời điểm này, SGK môn ngữ văn bậc trung học vẫn chưa có. Nhóm biên soạn vẫn chia thành các tổ nhỏ để thảo luận, quyết định. Sau đó, đại diện các tổ họp lại để đưa ra quyết định cuối cùng. Thành viên nhóm biên soạn có cả giáo viên (GV) phổ thông, giảng viên đại học.
Về sự chuẩn bị của TP HCM cho bộ SGK riêng có lệch nhiều so với chương trình khung chi tiết mà Bộ GD-ĐT vừa công bố, một thành viên tổ biên soạn cho hay TP dựa vào dự thảo chương trình khung trước đó để xây dựng và chuẩn bị nên không lệch nhiều. Tuy nhiên cho đến nay, vẫn còn đang phải thảo luận do nhóm biên soạn chia thành hai hướng, vì những thầy cô đến từ các trường đại học có cách nhìn khác so với GV phổ thông. Đơn cử, vẫn có tác giả muốn đưa thật nhiều tác phẩm vào chương trình môn ngữ văn, trong khi GV đến từ các trường phổ thông lại cho rằng điều đó không cần thiết, gây nặng nề, quá tải cho học sinh (HS).
Theo lộ trình, năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 sẽ học theo chương trình phổ thông mới. Ảnh: TẤN THẠNH
Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP khẳng định quan điểm của sở là dù có sách riêng cũng không bắt buộc các trường sử dụng và tôn trọng quyền lựa chọn của GV. Đặc biệt, SGK riêng của TP không đặt nặng việc học thuộc lòng. Yêu cầu chung là chú trọng dạy để HS hiểu và làm; kết hợp giữa dạy chữ và dạy người, rèn luyện khả năng tự học và vận dụng kiến thức vào giải quyết những vấn đề của cuộc sống. Trên cơ sở đó, SGK mới chỉ chọn lọc các kiến thức cần thiết, thực tiễn và hiện đại, tăng cường rèn luyện phương pháp học, hoạt động nhóm, tăng cường rèn luyện các trải nghiệm thực tế gắn với việc tập luyện giải quyết các vấn đề thực tế của cuộc sống và xã hội ngay từ nhà trường…
Khẳng định của tổng chủ biên
Giải đáp những lo lắng trong dạy học tích hợp của chương trình giáo dục phổ thông mới, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, cho hay những người biên soạn chương trình giáo dục phổ thông mới đã lựa chọn phương án tích hợp phù hợp với mỗi môn học. Ví dụ chương trình môn khoa học tự nhiên được thiết kế thành 4 mạch chủ đề chung: chất và sự biến đổi của chất, vật sống, năng lượng và sự biến đổi, trái đất và bầu trời. Mỗi chủ đề nói trên vận dụng kiến thức của một ngành khoa học, tạo điều kiện cho GV vốn được đào tạo đơn môn ở trường sư phạm có thể thực hiện chương trình. Bên cạnh đó, chương trình còn có một số chủ đề đòi hỏi tính tích hợp cao như biến đổi khí hậu, giáo dục sức khỏe, giáo dục STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học), bảo vệ môi trường, phát triển bền vững...
Trong chương trình mới, môn lịch sử và địa lý gồm hai phân môn lịch sử, địa lý. Nội dung của mỗi phân môn vừa bảo đảm tính độc lập tương đối vừa hỗ trợ cho nhau. Chuyên gia này nhấn mạnh phương thức và mức độ tích hợp như trên phù hợp với trình độ đào tạo, năng lực dạy học của GV và khả năng tiếp nhận, vận dụng kiến thức của HS; đồng thời cũng bảo đảm tính hệ thống của các kiến thức cốt lõi.
"Hiện các trường sư phạm đã có kế hoạch xây dựng chương trình đào tạo GV dạy học các môn khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý và chương trình bồi dưỡng GV đơn môn để dạy các môn học này" - GS Thuyết khẳng định.
Sẽ ban hành hướng dẫn triển khai chương trình
Trước những băn khoăn trong việc triển khai chương trình mới trong các hoàn cảnh khác nhau ở mỗi địa phương, ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học- Bộ GD-ĐT, cho hay bộ sẽ ban hành các hướng dẫn triển khai chương trình. Trong đó có các quy định cụ thể đối với các lớp học có sĩ số đông, những nơi khó khăn, đặc thù, hướng dẫn dạy học tích hợp, hướng dẫn tổ chức dạy học phân hóa, định hướng nghề nghiệp…
Theo ông Chuẩn, chương trình giáo dục phổ thông mới thiết kế mở nên việc tổ chức dạy học, tổ chức các hoạt động giáo dục như thế nào do các trường chủ động xây dựng kế hoạch để phù hợp với đối tượng HS, điều kiện của mỗi địa phương.
Bình luận (0)