Theo công bố của Sở GD-ĐT TP HCM, kết quả trúng tuyển chức danh Phó hiệu trưởng các trường THPT, gồm: Ông Phạm Hải Dương, giáo viên Trường THPT An Nghĩa (huyện Cần Giờ), trúng tuyển làm phó hiệu trưởng Trường THPT An Nghĩa (huyện Cần Giờ). Bà Đoàn Thị Kim Dương, giáo viên Trường THPT An Nhơn Tây (huyện Củ Chi), trúng tuyển làm phó hiệu trưởng Trường THPT An Nhơn Tây (huyện Củ Chi). Bà Trần Mỹ Ngọc, giáo viên Trường THPT Quang Trung (huyện Củ Chi), trúng tuyển làm phó hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung (huyện Củ Chi).
Trước đó tại vòng 2 của kỳ thi tuyển chức danh phó hiệu trưởng, có 12 ứng viên đạt tiêu chuẩn (ở vòng đầu có 14 ứng viên). Các ứng viên thi trình bày đề án của mình, với thời gian không quá 40 phút. Sau đó, người thi tuyển sẽ trả lời câu hỏi của các thành viên trong hội đồng giám khảo, với thời gian không quá 30 phút.
Các ứng viên tại vòng 2 của kỳ thi tuyển
Ông Tống Phước Lộc, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết trước đây, các vị trí lãnh đạo quản lý, bao gồm cả phó hiệu trưởng, hiệu trưởng đều theo hình thức bổ nhiệm. Việc tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý nhằm phát hiện, thu hút, lựa chọn, bổ nhiệm người thực sự có năng lực lãnh đạo, quản lý, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp; có phẩm chất chính trị, đạo đức, đáp ứng vị trí lãnh đạo, quản lý cần bổ nhiệm. Đồng thời, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh; từng bước đổi mới quy trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý; tránh tình trạng cục bộ khép kín trong công tác quy hoạch; bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan…
Lý do chỉ chọn 3 đơn vị là các trường THPT khu vực ngoại thành, theo ông Lộc là vì các đơn vị trường THPT này là các đơn vị thuộc khu vực vùng ven thành phố, đang khuyết chức danh phó hiệu trưởng đồng thời nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý của các đơn vị THPT đặc biệt là các đơn vị vùng ven, ngoại thành.
Ông Lộc cho biết thêm các trường ngoại thành có vị trí xa nhau, việc điều động, luân chuyển cán bộ từ nơi này sang nơi khác còn khó khăn nên gần như nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý của đơn vị đều từ nguồn quy hoạch tại chỗ. Vì vậy, cách tổ chức thi tuyển sẽ giúp tăng tính cạnh tranh, công khai, minh bạch trong tuyển chọn, khắc phục được tình trạng ỷ lại, sức ỳ... và giúp cho lực lượng trẻ nỗ lực phấn đấu, rèn luyện.
Sau khi thực hiện thí điểm thi tuyển đợt này, Sở GD-ĐT TP HCM sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm, đồng thời tham mưu mở rộng đối tượng, tính toán lộ trình thực hiện trong thời gian tới.
Bình luận (0)