Theo ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, năm học 2016-2017, TP sẽ đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc tư duy giáo dục, trong đó có những nhiệm vụ như TP tự xây dựng khung chương trình giáo dục và bộ sách giáo khoa phù hợp với tình hình thực tiễn tại TP dựa trên khung chương trình chung của Bộ GD-ĐT. Chương trình cấp học xây dựng theo hướng mở: một số môn học bắt buộc (văn, toán, ngoại ngữ) và các môn tự chọn phải hoàn thành trong cả cấp học với số lượng môn học tối đa chỉ nên là 8 môn/năm.
Theo Sở GD-ĐT TP HCM, bắt đầu từ năm 2016-2017, các trường được chủ động điều chỉnh thời lượng giảng dạy của các bộ môn trên cơ sở bảo đảm chuẩn kiến thức, kỹ năng; chủ động xây dựng chương trình giảng dạy tích hợp, liên môn và đa dạng hóa các hình thức kiểm tra, đánh giá cho phù hợp với tình hình thực tế.
Đặc biệt, kể từ năm học này, TP HCM được tự thực hiện kiểm tra, đánh giá, công nhận tốt nghiệp THPT. Nhà trường và giáo viên giảng dạy có trách nhiệm đánh giá định kỳ học sinh, Sở GD-ĐT tổ chức đánh giá chung, giữa và cuối cấp học để làm cơ sở xem xét hoàn thành chương trình học của cả cấp, dưới sự giám sát của Bộ GD-ĐT.
Theo Sở GD-ĐT TP HCM, song song với quá trình đổi mới, sở sẽ tăng cường quản lý chất lượng đầu ra, quản lý quá trình đào tạo và chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng. Tiếp tục thực hiện công tác kiểm định chất lượng giáo dục; sử dụng hệ thống kiểm định chất lượng quốc tế để kiểm định chất lượng đào tạo các chương trình tiên tiến; kiểm định trình độ ngoại ngữ, tin học của cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh theo chuẩn quốc tế.
Ngoài ra, ngành GD-ĐT TP sẽ tiếp tục quan tâm đến công tác giáo dục nghệ thuật và giáo dục thể chất để học sinh phát triển toàn diện. Theo ông Lê Hồng Sơn, hiện Bộ GD-ĐT và lãnh đạo TP đã chỉ đạo Sở GD-ĐT xây dựng “Đề án phát triển GD-ĐT TP HCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” với các nội dung chính là: Đổi mới căn bản và toàn diện về chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy, học tập, phương pháp kiểm tra đánh giá; tiếp tục phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; tăng nguồn lực đầu tư và đổi mới cơ chế tài chính giáo dục.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng chỉ ra những tồn tại của ngành giáo dục như tình trạng bạo lực học đường, hiện tượng quá tải ở giáo dục phổ thông, hàng trăm tiến sĩ, thạc sĩ đào tạo xong nhưng không làm đúng chuyên môn, đó là một sự lãng phí...
Bí thư Đinh La Thăng chỉ đạo ngành GD-ĐT cần làm nhanh việc giảm tải giáo dục phổ thông cho học sinh: phối hợp với các đơn vị tổ chức điều tra xu hướng nghề nghiệp, nhu cầu nguồn nhân lực để tránh tình trạng đào tạo lãng phí...
Bình luận (0)