Trước đó, một phụ huynh đăng tải trên facebook cá nhân về sự việc giáo viên tiếng Anh của Trường Tiểu học Sông Lô phạt học sinh bằng cách ngậm dép.
Theo báo cáo của Phòng Giáo dục và Đào tạo Phú Nhuận, trong ngày 4-4, hiệu trưởng nhà trường nhận được thông tin phản ánh từ phụ huynh học sinh lớp 1/3 về sự việc cô N. (giáo viên tiếng Anh) cho học sinh ngậm giày trong giờ học tiếng Anh vào buổi chiều ngày 3-3. Sau đó, nhà trường đã tiến hành xác minh bằng cách tiếp xúc 2 em học sinh dưới sự chứng kiến của giáo viên chủ nhiệm.
Trong buổi tiếp xúc này, cả hai em đều nói là cô N. chỉ phạt bằng cách để giày lên bàn chứ không bắt ngậm giày. Nhà trường đã yêu cầu cô N. tường trình sự việc đồng thời kiểm điểm sai phạm của mình.
Trường Tiểu học Sông Lô (quận Phú Nhuận)
Được biết, trong bản tường trình của cô N. cô có nhận là do 2 học sinh trên không chịu tập trung vào bài giảng mà cứ loay hoay làm việc riêng, nói chuyện... cô mới bắt học sinh để dép lên bàn và nếu cứ tiếp tục nói chuyện thì sẽ phải ngậm dép. Mục đích của cô làm như vậy là để cho học sinh nhìn thấy dép mà sợ, không dám nói chuyện nữa.
Trong buổi họp hội đồng sư phạm nhà trường vào chiều ngày thứ sáu ngày 6-4, hiệu trưởng nhà trường đã phê bình, nhắc nhở cô N. trước tập thể sư phạm về việc sử dụng tình huống sư phạm xảy ra trong tiết dạy và có hình thức xử phạt học sinh không mang tính sư phạm, dễ gây sự hiểu nhầm cho phụ huynh. Cô N. xin nhận trách nhiệm trước tập thể nhà trường và hứa sẽ rút kinh nghiệm cho bản thân.
Hiệu trưởng nhà trường cũng đã có buổi họp với phụ huynh 2 học sinh. Tại buổi họp này, 2 phụ huynh cũng khẳng định không có chuyện học sinh phải ngậm dép nhưng họ cũng không đồng tình với hình phạt của cô giáo.
Trong ngày 23-4, Phòng GD-ĐT Phú Nhuận đã có buổi làm việc với Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sông Lô, cô N. để phân tích sai phạm của cô và yêu cầu nhà trường và cô giáo nghiêm túc kiểm điểm về sự việc đã xả ra.
Trong hôm nay, ngày 24-4 sẽ kiểm điểm, xem xét hạ bậc thi đua cô N.
Theo Sở GD-ĐT TP HCM, dù chỉ là hù dọa, nhưng việc hù học sinh của cô N cũng là hình thức phản sư phạm.
Bình luận (0)