Người dân TPHCM có thể thở phào về quyết định rất kịp thời của UBND TP - một quyết định giải tỏa hàng loạt nỗi lo, khi mà nhiều vấn đề giáo dục của TPHCM vẫn còn những bất cập: Việc “chạy trường”, tranh nhau vào “trường điểm”, vấn đề quỹ hội phụ huynh học sinh, vấn đề cơ sở hạ tầng cho giáo dục... cho đến nay vẫn chưa hết gây bức xúc trong dư luận.
Phản ứng của dư luận
Sau khi bài báo trên được đăng, phản hồi của bạn đọc - theo chúng tôi đánh giá - là hết sức bức xúc. Một số ý kiến của bạn đọc - phụ huynh đã được đưa lên báo chỉ là một phần rất nhỏ phê phán việc “gắn sao” cho các trường THPT. Những ngày sau đó, Tòa soạn Báo NLĐ đã liên tục chỉ đạo các phóng viên thực hiện tiếp đề tài này, nhưng hầu như bị “tắc”. Bởi đơn giản, sau khi các chuyên gia, phụ huynh đã lên tiếng phản ứng; ban giám hiệu các trường THPT, các cán bộ Sở GD-ĐT... rất khó có ý kiến về chủ trương “nhạy cảm” này của Sở GD-ĐT, vì nó quá “tế nhị”. Tuy vậy, tòa soạn vẫn chuẩn bị một số bài để góp ý xây dựng cùng Sở GD-ĐT. Và, bây giờ lãnh đạo TPHCM đã có quyết định đúng đắn...
Thử phản biện
Những nhận định, ý kiến, quan điểm được chúng tôi nêu dưới đây có tính phản biện, hầu hết được trích từ hàng trăm phản hồi của bạn đọc gửi về tòa soạn.
Thứ nhất, trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo NLĐ, ông Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho rằng mục đích của việc bình chọn trường “sao” là “để tôn vinh những trường tốt”. “Tôn vinh”, tôn vinh như thế nào? Vì sao không tôn vinh các thầy cô giáo, ban giám hiệu nhà trường một cách cụ thể, bởi chính họ đã xây dựng nên một ngôi trường chất lượng?
Thứ hai, đối tượng tham gia bình chọn, đó là phụ huynh học sinh ở các trường THCS. Theo phản ứng của nhiều bạn đọc, Sở GD-ĐT đã sai lầm về phương thức bình chọn. Vì sao? Đơn giản, muốn đánh giá chất lượng của một ngôi trường, cần phải có những chuyên gia giáo dục, với một phương pháp rất khoa học, mới có thể làm được. Vì thế, phụ huynh học sinh không thể và không thể nào đủ năng lực thẩm định chất lượng ngôi trường đó. Chưa kể, nhiều phụ huynh học sinh có ý kiến không muốn tham gia cuộc bình chọn kỳ lạ này. Đặt vấn đề, nếu mọi phụ huynh tham gia bình chọn tích cực, thì cuộc bình chọn đó có giá trị như thế nào? Vậy làm sao có thể cho rằng cuộc bình chọn đó là khách quan? Làm sao “đánh giá một cách khách quan ở khía cạnh xã hội”, để giải quyết vấn đề “giá trị xã hội và giá trị bên trong nhà trường chưa gặp nhau”, để “giải quyết sự thống nhất giá trị”? Dù ông giám đốc Sở GD-ĐT đã rào đón rằng “việc bình chọn trường “sao” hoàn toàn dựa theo ý kiến đánh giá của xã hội, nó không thể thay thế hệ thống đánh giá chất lượng nào”, nhưng chắc chắn kết quả bình chọn ấy có tác động xã hội rất lớn, có thể tạo nên những giá trị ảo, bất cập. Từ việc chọn đối tượng bình chọn sai dẫn đến phương pháp bình chọn sai, chắc chắn sẽ cho kết quả “vô nghiệm”!
Thứ ba, theo ông giám đốc sở, việc bình chọn như vậy có thể hạn chế được nạn “chạy trường”; nếu có “chạy trường” theo quận, huyện cũng tốt hơn so với việc “chạy” vào các trường ở trung tâm TP, hạn chế đầu vào quá lớn cho các trường trước nay được xem là trường điểm. Có thể đó là ý nghĩa tích cực của việc “gắn sao” cho trường THPT, nhưng cũng chẳng giải quyết được gì với vấn nạn “chạy trường” khá phức tạp như hiện nay; mặt trái khác, có thể làm cho “cuộc marathon chạy trường” càng trở nên rối rắm hơn!
Một đề án có tính chất bình chọn (so sánh, đánh giá) mà đối tượng bình chọn sai, phương pháp bình chọn không thích hợp, thì đề án đó “ngưng ngay” là điều tất yếu, bởi mục đích đề ra không thể đạt được.
“Ý tốt, phương pháp không tốt”
Đó là ý kiến của PGS-TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội - Nhân văn TPHCM. Có thể thấy mục đích tích cực đó từ Sở GD-ĐT. Nhưng dù mục đích có tốt đẹp, mà phương pháp bất cập, thì được gì? Về phương pháp, chúng tôi đã phân tích. Còn lại, chúng tôi muốn khẳng định rằng với chủ trương (đề án) “gắn sao” cho các trường THPT, lãnh đạo Sở GD-ĐT muốn hướng đến mục đích tích cực là giúp phụ huynh chọn trường phù hợp cho con em mình. Nhưng đáng tiếc, “mặt tích cực” này lại có tính “phản giáo dục”, vì như vậy, học sinh giỏi sẽ tập trung vào những trường “5 sao”, tạo sự phân hóa rất rõ ràng ở chất lượng học sinh. Sự phân hóa đó sẽ gây thêm khó khăn cho ngành giáo dục TP, khó khăn cho nhà trường, đặc biệt cho giáo viên, để nâng cao chất lượng học sinh. Cũng có thể, sau khi “gắn sao” cho các trường, sở sẽ tập trung nâng chất cho các trường “không sao”, “1 - 2 sao”, nhưng sự nâng chất đó sẽ gặp rất nhiều rào cản, rất khó đạt mục tiêu.
Và, cũng cần cảm thông với Sở GD-ĐT TP rằng đây chỉ là một “đề án”. Nếu được sự ủng hộ của phụ huynh, của xã hội, thì sẽ được triển khai. Hy vọng rằng qua phản ứng của dư luận, sở cần phải xem xét lại “đề án” này.
Giáo dục cần sự bình đẳng
Một trong những nguyên tắc có tính chất cơ bản của giáo dục phổ thông là sự bình đẳng. Tuyệt đối không thể phân biệt giàu nghèo. Trong một xã hội mà sự giàu nghèo đang bị phân hóa rất rõ rệt như ở TPHCM hiện nay, việc con em những gia đình giàu có học tốt hơn con em gia đình nghèo là thực tế, vì con em họ có điều kiện học hành tốt hơn. Vì vậy việc bình chọn các “trường 5 sao” cho ai, là câu hỏi bức xúc nhất. Đã là trường công của Nhà nước, do dân đóng thuế chi trả thì mọi học sinh không phân biệt giàu nghèo phải được đối xử như nhau. Khái niệm “xã hội hóa giáo dục” ở bậc phổ thông là một khái niệm có tính nhạy cảm cao, dễ tạo nên sự phân biệt đối xử. Có thể thành lập các trường công có chất lượng tốt, học sinh phải thi vào một cách bình đẳng. Có thể thành lập những trường tư thục chất lượng cao để những gia đình có khả năng cho con em mình vào học... Nói chung, có nhiều cách để xây dựng một nền tảng giáo dục phổ thông bình đẳng cho mọi công dân mà không phải vi phạm những nguyên tắc giáo dục cơ bản.
Vậy Sở GD-ĐT nên làm gì sau khi “đề án” này phải ngưng? Theo chúng tôi, vấn đề bình chọn, “gắn sao” cho các trường chỉ là cuộc chơi, một “sân chơi” không hơn không kém. Việc nên làm, làm khẩn trương là nâng cao chất lượng dạy và học ở các trường THPT. Hơn ai hết, Sở GD-ĐT biết rõ trường nào ở đẳng cấp “sao” nào. Hãy nhìn thẳng vào sự thật từng trường yếu kém để tập trung nâng chất. Đó là việc làm chắc chắn được dư luận hoan nghênh và ủng hộ.
Ngày 12-10-2007, Thường trực UBND TPHCM có công văn khẩn số 36/VP-VX-M gửi Sở GD-ĐT, chỉ đạo về chủ trương bình chọn các trường THPT đạt chuẩn “sao” năm học 2007-2008. Trước đó, ngày 9-10, Ủy ban MTTQ VN TPHCM đã có kiến nghị gửi Thường trực UBND TP, đề nghị xem xét việc Sở GD-ĐT triển khai thực hiện chủ trương trên. Công văn của Thường trực UBND TPHCM chỉ đạo: 1. Yêu cầu Giám đốc Sở GD-ĐT ngưng ngay chủ trương bình chọn các trường THPT đạt chuẩn “sao” năm học 2007-2008; Sở GD-ĐT có trách nhiệm báo cáo và gửi toàn bộ nội dung đề án bình chọn trường THPT đạt chuẩn “sao” cho UBND TP xem xét trước ngày 20-10. 2. Từ nay về sau các chủ trương “nhạy cảm” của ngành GD-ĐT TP có liên quan đến những vấn đề mà nhân dân và dư luận xã hội quan tâm, cần cân nhắc, bàn bạc kỹ lưỡng và báo cáo xin ý kiến Thường trực UBND TP xem xét, quyết định trước khi triển khai. P.V |
Bình luận (0)