Ngày 4-10, lãnh đạo UBND TPHCM đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cùng đại diện nhiều trường ĐH, phổ thông về dự thảo chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Mộng Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến, cùng nhiều đại biểu khác cho rằng sự phát triển bùng nổ số lượng các trường ĐH trong thời gian qua khiến giáo viên thiếu một cách trầm trọng, đặc biệt là các trường ĐH ngoài công lập. Trong khi đó, các trường không tự đào tạo, bồi dưỡng giáo viên hoặc không có kế hoạch bồi dưỡng rõ ràng. Do vậy, giải pháp hiện nay của các trường là mời giáo viên thỉnh giảng. Giải quyết tình trạng này, nhiều ý kiến cho rằng Bộ GD-ĐT cần có chủ trương chung chứ để các trường tự lo thì thật sự khó khăn.
Về tuyển sinh, PGS-TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, nói đã đến lúc bỏ thi ĐH, CĐ theo 3 chung. Bởi theo ông, Bộ GD-ĐT đã giao cho các trường tự chủ đầu ra thì nên để các trường tự chủ luôn đầu vào chứ bộ không nên “ôm” làm gì. Cũng liên quan đến thi cử, nhiều ý kiến cho rằng không nên duy trì thi theo các khối (A, B, C) như hiện nay mà để các trường tự chủ trong cách tuyển sinh, bởi thi ở bậc phổ thông là học gì thi nấy, còn ở bậc ĐH là cần gì thi nấy.
Đề cập việc đầu tư cho ĐH, nhiều ý kiến đồng tình việc không nên đầu tư theo kiểu dàn trải như hiện nay mà cần đầu tư mạnh vào những trường, những ngành có thế mạnh để tạo đột phá. TPHCM với vị trí là trung tâm kinh tế, giáo dục thì rất cần những cơ chế đặc thù để phát triển.
Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, TPHCM là địa phương có điều kiện, do vậy có thể đề xuất những kế hoạch cụ thể để đi trước, về trước trong chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020. Trong khi thực hiện có những khó khăn, vướng mắc gì thì đề xuất cùng Bộ GD-ĐT tháo gỡ.
Từ nay đến năm 2020, thời gian không dài nên ngay từ lúc này phải làm mọi cách để thúc đẩy giáo dục phát triển. Trong 9 năm tới, Bộ GD-ĐT phải lên kế hoạch cho hằng năm để phấn đấu đạt được mục tiêu phát triển giáo dục mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã khẳng định “đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế…” và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 của đất nước.
Bình luận (0)