Một năm kinh tế khó khăn vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều sinh viên tranh thủ đi làm dịp cuối năm, nhu cầu tuyển nhân viên thời vụ tăng cao, mức lương hậu hĩnh, có thể phụ giúp gia đình. Bên cạnh đó, các em có thêm kinh nghiệm thực tế, sẽ ứng dụng được vào công việc khi ra trường.
Thay mẹ làm lao công
Nguyễn Thị Quỳnh, sinh viên năm 3 Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM, chia sẻ đây là năm thứ hai đón Tết xa quê, dù đã trải qua cảm giác xa nhà dịp Tết, nhưng lần này em vẫn thấy chạnh lòng. Quỳnh kể, quê em ở Nghệ An, kinh tế gia đình khó khăn, năm Quỳnh học lớp 6, mẹ đã vào TP HCM làm giúp việc nhà để có tiền cho chị của Quỳnh học đại học. Ở quê, ba của Quỳnh đi làm thợ xây nuôi Quỳnh và em trai, gia đình nhỏ phải tạm chia đôi.
Năm Quỳnh học 12, trong một lần đi làm, ba của em bị rơi từ trên cao xuống, chấn thương nặng, gia đình chạy chữa khắp nơi, suốt những ngày tháng đó, Quỳnh ôn thi đại học trong bệnh viện. Vì ba mất sức lao động, nên mọi gánh nặng gia đình đè lên vai mẹ. Sau nhiều lần phẫu thuật, sức khỏe của ba dần ổn định, mẹ và chị gái Quỳnh lại khăn gói vào TP HCM làm việc. Mẹ Quỳnh xin làm lao công cho một công ty thiết bị y tế, làm cả ngày cả đêm. Khi vào TP HCM học đại học, Quỳnh kiếm thêm nhiều công việc bán thời gian để phụ mẹ trang trải chi phí sinh hoạt, thuốc thang cho ba.
"Tết này em và chị dành vé xe về quê cho mẹ, để mẹ thăm nhà và sắp xếp đưa ba vào TP HCM chữa trị. Giá tàu xe đắt đỏ dịp Tết, gia đình em không có điều kiện để cùng về quê. Nhiều lúc đi làm về, trên đường người người vui vẻ sắm Tết, em thấy buồn và chạnh lòng" - Quỳnh tâm sự.
Mặc dù Tết nhưng công việc lao công vẫn cần người làm, vì vậy, Quỳnh sẽ làm thay công việc của mẹ. Buổi tối, Quỳnh còn bán hàng ở cửa hàng tiện lợi, dịp Tết nên lương được tăng gấp ba, em tranh thủ làm để có một phần tiền gửi về quê.
Sinh viên làm phục vụ toàn thời gian dịp Tết
Học cách tự lập
Lần đầu tiên rời xa vòng tay ba mẹ, ăn Tết nơi khác, Lê Đức Anh, sinh viên năm nhất Trường CĐ Kinh tế - Công nghệ TP HCM, chia sẻ tình hình dịch đang phức tạp, em không thể về quê được. Ba mẹ ở Hà Tĩnh cũng lo lắng cho em, thường xuyên gọi điện hỏi thăm tình hình, động viên em cố gắng vượt qua mùa Tết này một mình.
"Lần đầu em đón Tết xa nhà rất lo lắng nhưng cũng thú vị. Đây là cơ hội để em tự lập, học cách chăm sóc bản thân, kiếm tiền trang trải cuộc sống. Hơn hết, em có thêm kinh nghiệm, không bỡ ngỡ khi sau này đi làm" - Đức Anh cho hay.
Đức Anh cho biết, em ở lại TP HCM dịp Tết làm thêm phụ bếp, ngày thường Đức Anh sẽ được trả 150.000 đồng, nhưng vào những ngày Tết, em có thể nhận được 450.000 đồng/ngày. Số tiền này Đức Anh sẽ để trả học phí học kỳ II và chi phí sinh hoạt, đỡ đần ba mẹ một phần.
Năm đầu tiên đón Tết xa gia đình, Phan Thị Hồng Uyên, sinh viên năm hai Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, tâm sự em nhớ da diết hương Tết quê nhà. Vì gia đình đông anh em, ba mẹ làm nương rẫy ở Đắk Lắk thu nhập cũng không cao, nên em muốn ở lại TP để làm thêm, tự trả tiền học phí và tiền ăn ở.
Em Phan Thị Hồng Uyên bán hàng cho một quán ăn vặt tại TP HCM
Nghe tin con không về Tết, ba mẹ Uyên gọi điện khuyên can, có như thế nào cũng nên về quê đón Tết, để gia đình sum họp. Dù rất buồn, nhưng Uyên vẫn quyết ở lại TP làm thêm xuyên Tết.
"Em muốn về lắm nhưng hoàn cảnh cuộc sống không cho phép, nếu không làm thêm trong dịp này thì học kỳ sau ba mẹ rất vất vả kiếm tiền cho em đóng học phí. Có cứng rắn đến đâu, em cũng phải rơi nước mắt khi nhìn nhà nhà sum họp bên mâm cơm ngày Tết, em thấy lạc lõng giữa TP hoa lệ này" - Uyên nghẹn ngào.
Bình luận (0)