Tại tọa đàm "Chương trình giáo dục hội nhập quốc tế tại các trường phổ thông" do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 8-8, ông Bùi Khánh Nguyên, chuyên gia giáo dục độc lập, cho hay qua quá trình theo dõi hoạt động giáo dục trong lĩnh vực tư, ông thấy có tín hiệu đáng mừng là học sinh Việt Nam đang được tiếp cận nhiều chương trình giáo dục tốt trên thế giới.
Theo ông Nguyên, cả trường công và trường tư đều song hành phát triển. Trong đó, việc các trường tư thục phát triển mạnh mẽ đã và đang san sẻ gánh nặng quá tải cho trường công lập. Do đó, ông thường tư vấn cho phụ huynh rằng nếu có điều kiện và mong muốn giáo dục đáp ứng được những nhu cầu cá nhân, riêng biệt thì nên cho con học trường tư. Còn trường công lập có vai trò trong việc đáp ứng quyền được học tập, giáo dục đại trà nói chung cho học sinh.
Chuyên gia giáo dục độc lập Bùi Khánh Nguyên
Theo chuyên gia Bùi Khánh Nguyên, nhiều chương trình giáo dục tiên tiến trên thế giới đang có mặt ở Việt Nam. Tuy nhiên, một chương trình không nói lên chất lượng của một trường học. Trường tốt thì dạy chương trình nào cũng tốt và ngược lại, trường không tốt thì dù dạy một chương trình uy tín nhưng cũng có thể triển khai chưa tốt. Bởi vậy, khi chọn trường tư thục, trường quốc tế, phụ huynh nên lưu ý để tránh vướng vào "bẫy".
Chuyên gia này chỉ rõ một trường quốc tế theo hướng hội nhập phải mang 3 tầng lợi ích: phát triển năng lực tiếng Anh, phát triển năng lực tư duy và phát triển năng lực hành động. Dẫn hình ảnh học sinh đi cáp treo lên đỉnh núi rồi vào lâu đài trên đó để lấy viên kim cương, ông ví von năng lực tiếng Anh là cáp treo, năng lực tư duy là tòa lâu đài và năng lực hành động chính là viên kim cương. Theo đó, chương trình học tốt là chương trình dẫn học sinh đến tận lâu đài để lấy được viên kim cương, chứ không chỉ dắt học sinh đi lưng chừng và mãi ở cáp treo.
Bà Trần Thị Hồng Thủy, Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa
Tại tọa đàm, nhiều ý kiến phụ huynh, học sinh thắc mắc làm thế nào để cân bằng được các chương trình dạy ngoại ngữ trong nhà trường khi mà học sinh sẽ phải tăng tiết và thêm áp lực?
Theo bà Trần Thị Hồng Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, bất cứ trường nào cũng có học sinh gặp áp lực trong học tập. Quan trọng là môi trường học tập tại các trường đã tạo điều kiện ra sao để các em không cảm thấy áp lực.
Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa có hơn 20 CLB học thuật và kỹ năng, tổ chức nhiều hoạt động ngoài giờ học cho học sinh tham gia. Việc cho các em trải nghiệm nhiều chương trình ngoại khóa, tham gia các phong trào để rèn luyện năng lực tư duy và kỹ năng là một biện pháp quan trọng, giúp học sinh giảm áp lực trong học tập. Ngoài ra, trường cũng có phòng tham vấn học đường, quan tâm tới từng em để có giải pháp hỗ trợ nếu gặp áp lực.
Bình luận (0)