Sáng 21-7, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP về giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông và khảo sát tình hình triển khai thực hiện đề án "Xây dựng đô thị thông minh" trên địa bàn TP HCM.
Khan hiếm giáo viên tiếng Anh
Báo cáo với Đoàn Đại biểu Quốc hội TP, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP, cho biết TP đã hoàn tất bồi dưỡng cho gần 500 giáo viên (GV) cốt cán của các quận, huyện; mỗi trường tiểu học một GV. Ngoài ra, đầu tháng 5 vừa qua, tất cả trường tiểu học đã hoàn tất lựa chọn SGK. Việc lựa chọn SGK bảo đảm tính khách quan, minh bạch.
Băn khoăn nhất là công tác tuyển dụng GV thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, TP HCM đã triển khai giảng dạy 2 môn tiếng Anh và tin học đối với bậc tiểu học từ năm 1998. Nếu như trước đây, 2 môn học này theo hình thức xã hội hóa (chương trình tự chọn, học phí thu theo thỏa thuận với phụ huynh) nhưng theo chương trình giáo dục phổ thông mới, các môn này sẽ triển khai bắt buộc từ lớp 3 và tự chọn đối với 2 khối 1, 2. Để triển khai các môn học này, khó khăn lớn nhất đối với các cơ sở giáo dục là tuyển dụng GV do chưa có quy định trong đề án vị trí việc làm.
Học sinh học thêm tại trung tâm sau giờ chính khóa. Ảnh: TẤN THẠNH
Đặc biệt, theo quy định hiện nay, GV tiếng Anh phải có bằng cử nhân sư phạm mới đủ điều kiện giảng dạy ở bậc tiểu học. Riêng năm học 2019-2020, nhiều quận, huyện khó khăn về tuyển dụng như quận 11 có nhu cầu tuyển 21 GV tiếng Anh nhưng không có ứng viên, quận Bình Tân chỉ có một ứng viên trúng tuyển nhưng cuối cùng từ bỏ nhiệm sở...
Trước thực tế đó, Sở GD-ĐT TP kiến nghị Bộ GD-ĐT có văn bản chỉ đạo cụ thể định biên cho ngành giáo dục khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, đặc biệt là 2 môn tin học và tiếng Anh. Ông Hiếu cho rằng Thông tư 32 về ban hành chương trình giáo dục phổ thông 2018, tiếng Anh và tin học là 2 môn học bắt buộc, các địa phương cần có đầy đủ căn cứ pháp lý để chỉ đạo và hướng dẫn các trường xây dựng bổ sung vị trí việc làm đối với 2 môn học này, bảo đảm đủ định biên theo định mức số tiết quy định.
Không được dạy thêm với hệ công lập
Lấy ví dụ về trường hợp của chính con mình, bà Phan Thị Bình Thuận, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP HCM - thành viên đoàn đại biểu, cho biết kết thúc giờ học ở trường, con bà ăn uống qua loa rồi lại tiếp tục ngồi vào bàn học đến 12 giờ khuya. "Tuy nhiên, khi lên lớp có những môn mà GV nói cháu chưa nắm được bài. Như vậy, thời gian GV dành cho học trên lớp như thế nào? Vấn đề này cần phải có đánh giá" - bà Thuận đặt vấn đề.
Bà Thuận cũng thắc mắc Sở GD - ĐT TP HCM đánh giá như thế nào khi triển khai 2 nghị quyết này? Cụ thể triển khai nghị quyết, một trong những nội dung trọng tâm là giảm việc dạy hàn lâm, tăng cường các hoạt động ngoại khóa, giảm áp lực phải mang vác sách nhiều khi đi học. Đặc biệt, giảm tình trạng các em đi học ở trường rồi mà vẫn phải chạy đi học thêm.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP, giải thích số môn học so với chương trình cũ không có nhiều thay đổi. Một số môn học như thủ công, kỹ thuật được tích hợp vào môn tin học công nghệ. Các môn học khác vẫn được bảo đảm. Tuy nhiên, năm nay chương trình học có thêm hoạt động trải nghiệm nhưng thực ra hoạt động trải nghiệm gắn với hoạt động ngoài giờ hoặc sinh hoạt chủ nhiệm của chương trình trước đây. Còn riêng từng môn, số tiết có tăng giảm theo quy định. Tuy nhiên, chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ tập trung nhiều đến việc phát triển các kỹ năng, phẩm chất, năng lực của học sinh.
Trong khi đó, ông Lê Duy Tân, Trưởng Phòng Giáo dục trung học Sở GD-ĐT TP, cho hay chuyện dạy thêm, học thêm, về phía ngành giáo dục luôn chỉ đạo GV không được tổ chức dạy thêm, học thêm đối với hệ công lập nhưng được tham gia ở các trung tâm được cấp phép và đúng quy định. Phụ huynh nếu có nhu cầu cho con em mình học thêm thì hãy đưa đi học, còn không có nhu cầu thì đừng.
Cần tính toán nguồn kinh phí
Trước thách thức của TP khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới là bảo đảm cơ sở vật chất, thực hiện lộ trình học 2 buổi/ngày. PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM - thành viên đoàn đại biểu, đề nghị Sở GD-ĐT TP cần dự thảo kinh phí xây dựng cơ sở vật chất cho ngành, giai đoạn 2020-2025, đưa vào danh mục tổng đầu tư của TP.
Bình luận (0)