Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo Brexit và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) dưới góc nhìn hội nhập do Trường ĐH Văn Hiến TP HCM tổ chức ngày 3-8. Hội thảo có sự tham gia của các diễn giả trong và ngoài nước với 20 tham luận phân tích các rủi ro, thách thức khi Việt Nam hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
Đặt vấn đề Brexit (nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu - EU), PGS-TS Lưu Ngọc Trịnh - Viện Kinh tế và Chính trị thế giới - cho rằng so với EU, Cộng đồng ASEAN rất khác, thực ra chỉ là một câu lạc bộ mang lại nhiều lợi ích tích cực nên các nước thành viên khó rời bỏ.
Đánh giá về tác động của Brexit đến Việt Nam, PGS-TS Lưu Ngọc Trịnh cho rằng tác động tức thời là liên quan đến tỉ giá với đồng euro, đồng bảng Anh… những điều cần nhắm tới là quan hệ giữa đồng bảng Anh, yen Nhật, nhân dân tệ (Trung Quốc) tác động đến Việt Nam như thế nào và ứng phó ra sao; đồng thời theo dõi chặt chẽ biến động của các đồng tiền khác. Theo PGS-TS Lưu Ngọc Trịnh, Việt Nam cần đàm phán lại với EU, Anh để giảm các tác động tiêu cực từ Brexit.
Ở góc độ quan sát quốc tế, GS Raymond Gordon (Trường ĐH RMIT Việt Nam) cho rằng khi tham gia AEC, TPP, Việt Nam được hưởng lợi rất nhiều. Đó là được tiếp cận rộng rãi đến thị trường quốc tế làm thay đổi cấu trúc nền kinh tế. Những ngành được hưởng lợi nhiều gồm: dệt may, giày da, xây dựng… Tuy nhiên, Việt Nam cũng đối mặt không ít thách thức. Theo GS Raymond Gordon, Việt Nam có nền giáo dục cao nhưng đang thiếu hụt lực lượng lao động có kỹ năng cao. Đó là kỹ năng tư duy, ứng xử xã hội, kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo, làm việc độc lập, làm việc nhóm, quản trị thời gian… Khi AEC tăng trưởng cao hơn sẽ làm trầm trọng thêm hố ngăn cách này. “Để giải quyết chỉ có thể làm nhanh với khu vực đào tạo nghề nghiệp và cần tận dụng giáo dục công nghệ số để tạo điều kiện tiếp cận giáo dục cho công chúng. Đồng thời, Việt Nam cần xây dựng giáo trình, phương pháp giảng dạy bằng nội lực trên cơ sở tham khảo hỗn hợp mô hình các nước ” - GS Raymond Gordon gợi ý.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho biết để làm việc trong AEC, người lao động phải có chứng chỉ chuyên môn được công nhận, sau đó là yêu cầu ngoại ngữ. Ngoài ra, người lao động cần được trang bị các kỹ năng mềm khác như làm việc nhóm, khả năng thích nghi với cường độ làm việc cao, khả năng thích nghi với những khác biệt về văn hóa… Đây là những rào cản khiến lao động Việt Nam yếu thế trong cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường lao động khi hội nhập AEC.
Bình luận (0)