Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), năm học 2019- 2020, tổng chỉ tiêu tuyển sinh trình độ tiến sĩ ở các trường đại học trên cả nước là 5.111.
Chỉ tuyển được 25% chỉ tiêu
Tuy nhiên, các trường chỉ tuyển được gần 1.274 chỉ tiêu (chiếm 25% tổng chỉ tiêu), số chỉ tiêu còn thừa lên tới hơn 3.800. Năm học sau đó, năm 2020-2021, chỉ tiêu tuyển mới tiến sĩ dành cho các trường là 5.056 nhưng số người trúng tuyển chỉ là 1.735, tương đương gần 35%. Có tới 3.300 chỉ tiêu không tuyển được người học.
Lý giải tình trạng 2 năm "thừa" hơn 7.000 chỉ tiêu tiến sĩ, Bộ GD-ĐT cho rằng việc tuyển sinh trình độ tiến sĩ gặp khó khăn do yêu cầu đầu vào và chuẩn đầu ra đối với đào tạo trình độ này cao hơn. Theo quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ ban hành kèm Thông tư 08 năm 2017, ứng viên phải có bằng thạc sĩ hoặc tốt nghiệp đại học loại giỏi, trong khi trước đó, người tốt nghiệp đại học loại khá cũng có thể ứng tuyển tiến sĩ. Một điểm quan trọng nữa trong yêu cầu "đầu vào" là các ứng viên phải là tác giả hoặc đồng tối thiểu 1 bài báo liên quan đến lĩnh vực hoặc đề tài nghiên cứu dự kiến đăng trên các tạp chí thuộc danh mục các tạp chí khoa học chuyên ngành hoặc 1 báo cáo đăng tại kỷ yếu của các hội nghị, hội thảo khoa học trong hoặc ngoài nước. Ứng viên còn phải có chứng chỉ tiếng Anh TOEFL iBT từ 45 trở lên hoặc IELTS từ 5.0 trở lên hoặc chứng chỉ TOEIC từ 500 điểm trở lên… Thông tư 08 được đánh giá là siết đào tạo tiến sĩ, nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ tại các cơ sở đào tạo.
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ GD-ĐT, cũng cho rằng những tiêu chuẩn ngặt nghèo đối với nghiên cứu sinh đã tác động đến một bộ phận ứng viên cảm thấy không đủ năng lực, chưa chuẩn bị sẵn tâm thế và các điều kiện khác. Chính vì vậy, số người đăng ký làm nghiên cứu sinh tiến sĩ ít hẳn đi sau 2-3 năm từ khi có quy chế. Bên cạnh đó, dư luận xã hội cũng lên tiếng về một số nghiên cứu sinh có các đề tài "lạ" bị đưa ra mổ xẻ khiến cho nhiều người e ngại sợ "tiền mất tật mang". Xã hội cũng có sự thay đổi nhận thức về học vị tiến sĩ chỉ dành nhiều cho những người làm việc trong môi trường nghiên cứu như cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu nên phong trào đua nhau làm tiến sĩ cũng bị ảnh hưởng…
Cần thực hiện kiểm định nghiêm túc chương trình đào tạo tiến sĩ, bảo đảm chuẩn đầu ra
Không "đua" số lượng
Tuy nhiên, ngày 15-8-2021, Bộ GD-ĐT đã ban hành quy chế mới với một số quy định được cho là "hạ chuẩn" như chấp nhận công bố khoa học trong nước bên cạnh các công bố quốc tế, cho dùng chứng chỉ quốc gia theo khung ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam để chứng minh trình độ ngoại ngữ thay vì chỉ được dùng chứng chỉ quốc tế như IELTS, TOEFL. Cùng với quy chế mới, chỉ tiêu đào tạo trình độ tiến sĩ năm học 2021-2022 tăng lên thành hơn 5.500, dù vậy đến nay, Bộ GD-ĐT chưa có thống kê cụ thể về số tuyển được.
Nhận định về con số hơn 7.000 chỉ tiêu tiến sĩ "còn thừa" trong 2 năm qua, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học - Bộ GD-ĐT, cho rằng chỉ tiêu tiến sĩ phải xuất phát từ nhu cầu thực tế của các cơ sở đào tạo chứ đừng chạy theo số lượng, theo thành tích. "Tôi thấy hơn 5.000 chỉ tiêu tiến sĩ mỗi năm như vừa qua là chỉ tiêu trên trời. Nhiều lần tôi đã lên tiếng phản đối việc các nhà quản lý phải có bằng tiến sĩ, đọc thông tin Hà Nội đặt chỉ tiêu bao nhiêu cán bộ quản lý phải có bằng tiến sĩ nghe rất buồn cười. Đó là tâm lý chạy theo bằng cấp" - TS Lê Viết Khuyến nói. Ông cũng bày tỏ quan điểm không đồng tình với việc Bộ GD-ĐT "hạ chuẩn" đào tạo tiến sĩ, vì đó là một bước lùi.
Ông Khuyến nhấn mạnh đào tạo tiến sĩ phải cân đối về số lượng và chất lượng, không thể hy sinh chất lượng để chạy theo số lượng; nếu không, chúng ta sẽ tạo ra những sản phẩm sau kém hơn sản phẩm trước. Thầy kém tạo ra trò kém. "Chúng ta cần có những tiến sĩ ra trường trình độ thật, hội nhập quốc tế được chứ không phải là những tiến sĩ "giấy"!" - TS Lê Viết Khuyến nói.
Đồng quan điểm này, TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng số nghiên cứu sinh giảm nhưng số công trình quốc tế gia tăng, điều này phản ánh chất lượng đào tạo tiến sĩ được cải thiện thời gian qua. Theo thống kê trình độ nhân lực tiến sĩ ở Việt Nam còn rất thấp, nhu cầu tiến sĩ còn rất lớn đối với nền kinh tế để góp phần phát triển ổn định, sáng tạo và bền vững… "Tuy nhiên, rất cần nâng cao chất lượng đào tạo về các mặt tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho nghiên cứu khoa học, nâng cao năng lực và tính liêm chính của đội ngũ giáo sư, phó giáo sư. Loại bỏ quy định mang tính hình thức, thủ tục mà thiếu phần tạo giá trị gia tăng cho nghiên cứu sinh, đồng thời thực hiện kiểm định nghiêm túc chương trình đào tạo tiến sĩ, bảo đảm chuẩn đầu ra không thấp hơn yêu cầu của khung trình độ quốc gia" - TS Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh.
Phân tích rõ nguyên nhân
TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng gần đây quy chế mới có nới lỏng đôi chút, rất có thể sẽ có nhiều người tiếp tục làm nghiên cứu sinh tiến sĩ, chủ yếu là giảng viên các trường ĐH. Nói cách khác, sau vài năm chuẩn bị tâm thế, quy chế có phần nào nhẹ hơn, dịch bệnh tạm yên, rất có thể năm nay số nghiên cứu sinh sẽ tăng hơn 2 năm trước. Ở đây cần chú ý phân tích thêm cơ sở đào tạo nào có số nghiên cứu sinh tăng hay giảm để tìm hiểu sâu hơn về nguyên nhân do đâu mà "tăng", do năng lực hướng dẫn của đội ngũ nâng cao hay do dễ dãi trong thực hiện quy chế?
Bình luận (0)