Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn hằng ngày vẫn có nhiều thí sinh (TS) đến tìm hiểu thông tin tuyển sinh, ngành nghề đào tạo. Đã có khoảng trên 500 TS ghi hồ sơ đăng ký xét tuyển nhưng số TS chính thức đóng tiền nhập học chưa nhiều. Tại nhiều trường khác tình hình cũng tương tự.
Ngồi chờ "lọt sàng xuống nia"
Tiến sĩ Trần Mạnh Thành, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt, cho biết hiện trường đã nhận được gần 2.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển của TS qua hình thức xét tuyển online và nhận trực tiếp, trong đó số TS đăng ký trực tiếp chừng 500. Tiến sĩ Thành cho rằng nếu như có sự chắc chắn tương đối với số lượng TS đăng ký xét tuyển trực tiếp thì ngược lại, sẽ ảo rất nhiều với TS đăng ký trực tuyến. "Với TS đăng ký trực tiếp tại trường, chắc chắn các em cũng đã có sự lựa chọn, cân nhắc" - ông Thành nói và cho biết năm nay trường có 2.300 chỉ tiêu tuyển sinh. Để tuyển đủ hay gần đủ chỉ tiêu là chuyện không dễ dàng.
Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh của các trường CĐ tại TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
Tiến sĩ Lưu Đức Tiến, Hiệu trưởng Trường CĐ Vạn Xuân, cho biết hiện trường đã nhận được 200 bộ hồ sơ đăng ký xét tuyển của TS. Thời điểm này đang mùa của ĐH nên phải đến sau tháng 9, khi các trường ĐH tuyển sinh xong mới đến lượt CĐ. Hiện nay, trường vẫn đang tiếp cận TS bằng mọi hướng để hy vọng có kết quả tốt hơn. Tuy vậy, ông Tiến cho rằng năm nay vẫn là năm khó khăn trong tuyển sinh đối với các trường CĐ.
Tại các trường công lập, TS cũng dè dặt trong đăng ký. Thạc sĩ Lê Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường CĐ nghề TP HCM, cho biết hiện trường có 400 hồ sơ của TS đăng ký xét tuyển. Trường phải tuyển nhiều đợt trong năm.
Nhiều bất lợi
Mức học phí cùng tâm lý của người học, của phụ huynh chính là những rào cản khiến các trường CĐ ngoài công lập gặp khó khăn trong tuyển sinh.
Tiến sĩ Trần Mạnh Thành cho rằng tâm lý của người Việt Nam vẫn chưa thay đổi nhiều nên vẫn muốn học ĐH nếu đủ điều kiện. Trong khi đó, chính sách đã tạo điều kiện hết sức dễ dàng cho TS vào học ĐH. Cụ thể, nếu TS không đủ điểm sàn xét tuyển ĐH vẫn có thể vào học ĐH bằng việc xét học bạ. Với điều kiện điểm trung bình 3 môn trong tổ hợp xét tuyển từ 6 trở lên trong kết quả học tập lớp 12 thì bảo đảm TS nào cũng đủ điều kiện. Ngoài ra, khi khối các trường CĐ không còn thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo thì ở chừng mực nào đó, chịu thiệt thòi về thông tin.
Ông Thành cũng cho rằng ngay cả những TS học CĐ cũng muốn liên thông lên ĐH nên những TS không trúng tuyển vào trường ĐH công lập có mức học phí "mềm" thì cũng có xu hướng học trường ngoài công lập nếu có đủ điều kiện về mặt tài chính để khỏi phải thi, học liên thông. So sánh học phí của trường CĐ và trường ĐH ngoài công lập, mức chênh lệch không phải là nhiều lắm. Vậy nên, những TS học CĐ chủ yếu xác định học để ra trường sớm đi làm việc kiếm thu nhập cho bản thân và hỗ trợ gia đình.
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho rằng nhiều trường nâng cấp lên từ trung cấp quá vội vã, chưa có sự đầu tư tốt về cơ sở vật chất, thương hiệu nên tuyển sinh khó khăn. Hơn nữa, phần lớn các trường ĐH ngoài công lập không đào tạo khối kỹ thuật vốn đang có nhu cầu cao mà chỉ đào tạo những ngành dịch vụ không cần đầu tư nhiều, trong khi những ngành này đang dư thừa nên không hấp dẫn được người học.
Một vấn đề khác nữa là CĐ vẫn đang đào tạo 3 năm, thời gian quá dài trong khi bản chất thị trường lao động không phân biệt CĐ hay trung cấp. Về phía các trường CĐ, cạnh tranh với nhau đã khó, nói gì đến cạnh tranh với các trường ĐH.
Ông Hoàng Ngọc Vinh cho rằng để có người học, các trường CĐ không nên chăm bẳm vào đối tượng vừa tốt nghiệp THPT mà cần hướng thêm đến nhóm đối tượng ngoài xã hội cần có tay nghề để làm việc, nhóm lao động cần đào tạo lại…
Bình luận (0)