Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020 đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức ngày 21-1.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho hay từ 68 trường chuyên năm 2010 của cả nước, đến năm 2020 đã có 77 trường; bảo đảm mỗi tỉnh, thành có ít nhất một trường chuyên. Hiện tổng số học sinh chuyên chiếm khoảng 2,7% số học sinh THPT trên toàn quốc. Các trường chuyên được đầu tư nâng cấp thành các trường đạt chuẩn quốc gia (tăng từ 21 trường năm 2010 lên 60 trường năm 2020).
Trường chuyên không phải để săn giải thưởng (ảnh minh họa). Ảnh: NLĐO
So với trường THPT bình thường khác, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý của trường chuyên đã có những bước đột phá về trình độ đào tạo, năng lực chuyên môn.
Tỉ lệ học sinh giỏi của trường chuyên trong cả nước năm 2020 tăng gần gấp đôi so năm 2010. Chất lượng giáo dục của các trường chuyên đã phần nào trở thành những điển hình về đổi mới giáo dục, có vai trò tiên phong cho các trường THPT khác học tập; số lượng và chất lượng giải quốc tế của học sinh Việt Nam chuyển biến tích cực. Học sinh có năng khiếu nổi bật được vào học tại các lớp cử nhân tài năng, kỹ sư chất lượng cao của các trường đại học chất lượng cao trong nước và các trường đại học có uy tín ở nước ngoài để tiếp tục đào tạo, phát triển năng khiếu.
Ông Phạm Duy Hương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, cho biết ở Trường THPT chuyên Bắc Kạn, chất lượng đào tạo chuyển biến tích cực, trong đó học sinh giỏi quốc gia tăng dần qua các năm. Với Trường THPT chuyên Nguyễn Du của tỉnh Đắk Lắk, bà H’Yim Kđoh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh này - cho hay thành tích học sinh giỏi luôn ở những vị trí tốp đầu so với 10 trường của các tỉnh khác trong khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, .
Theo GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhờ đề án phát triển trường chuyên, từ 1 lớp A0, đơn vị này đã thành lập được 3 trường chuyên. Trong đó, học sinh của Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên luôn dẫn đầu cả nước về giải thưởng quốc tế.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Độ, mô hình trường chuyên còn bộc lộ một số hạn chế, như việc xây dựng kế hoạch giáo dục ở một số nơi vẫn nặng việc tổ chức bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi, chưa tăng cường nhiều cho học sinh các kỹ năng thực hành, thí nghiệm, nghiên cứu khoa học và các kỹ năng mềm khác... Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh ngoài hầu hết trường chuyên hiện nay đạt đến việc đào tạo nhân tài với quan điểm, phương pháp phù hợp thì một số trường vẫn ở mức là trường chất lượng cao và trường chọn mà chưa phải trường chuyên. Cần tránh coi trường chuyên là để có học sinh giỏi, có giải thưởng, huân huy chương… mà cần có quan điểm đúng về phương diện đào tạo, bồi dưỡng nhân tài và lấy đó làm trọng tâm trong phát triển. Đào tạo chuyên dẫu đặc biệt nhưng vẫn là đào tạo phổ thông, vẫn lấy nền tảng nhân cách, cảm xúc, thẩm mỹ, lấy phát triển con người làm đầu. Vì vậy, đào tạo chuyên cần theo hướng toàn diện, không thiên lệch, trước hết vì chính con người, đó cũng là nền tảng để có nhân lực chất lượng cao.
Bộ GD-ĐT đã đề nghị Thủ tướng giao Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan tiếp tục xây dựng và trình Đề án "Phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2022-2032" nhằm tiếp tục xây dựng hệ thống chuyên trở thành các trường chất lượng cao, đặt trên nền tảng của các trường chuyên hiện có.
Bình luận (0)