Việc dạy tiếng Anh chuyên ngành không nên chỉ bó gọn trong việc dạy ngữ pháp, từ vựng. Ảnh: T.UYÊN
* Phóng viên: Thưa ông, tại sao nhiều doanh nghiệp than phiền trình độ tiếng Anh chuyên ngành của sinh viên, đặc biệt ở lĩnh vực kỹ thuật, chưa đáp ứng được yêu cầu công việc?
- PGS-TS Nguyễn Lộc: Đó là do việc giảng dạy tiếng Anh cơ bản chưa tốt. Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy trình độ tiếng Anh của sinh viên một số trường ĐH tại TPHCM rất thấp, chỉ tương ứng với khoảng 3,5 điểm IELTS. Sinh viên chưa nói, chưa nghe, chưa viết được thì làm sao học tiếng Anh chuyên ngành được.
Bên cạnh đó, hiện đội ngũ giảng viên dạy tiếng Anh chuyên ngành tại các trường ĐH chưa nhiều. Còn giảng viên chuyên ngành giỏi đến mức có thể dạy cho sinh viên bằng tiếng Anh thì rất hiếm. Ngoài ra còn có những bất cập về chương trình, giáo trình...
* Theo ông, nguyên nhân nào khiến việc học tiếng Anh cơ bản của sinh viên chưa tốt?
- Trước hết, đó là do đầu vào của sinh viên quá khác nhau. Nhiều sinh viên vốn tiếng Anh từ phổ thông đã bị rỗng nên khi vào ĐH càng đuối. Bên cạnh đó, chất lượng dạy tiếng Anh cơ bản tại nhiều trường ĐH chưa phải là tốt. Hầu như chương trình mạnh ai nấy làm...
* Như vậy, cách khắc phục là phải phân loại trình độ sinh viên?
- Theo tôi, cần có sự phối hợp giữa chương trình đào tạo từ bậc phổ thông và ĐH về tiếng Anh cơ bản. Nếu ở bậc phổ thông, tiếng Anh cơ bản chưa đạt được thì ở bậc ĐH chương trình này phải được điều chỉnh, khắc phục. Các trường cũng nên phân loại sinh viên đầu vào và có chương trình tương thích với từng đối tượng khác nhau. Nếu cố nhồi nhét một chương trình chung thì khó mà thành công.
* Liệu việc phân loại trình độ sinh viên có khắc phục được lỗ hổng tiếng Anh chuyên ngành khi mà thời lượng học tiếng Anh chuyên ngành tại một số trường khá ít?
- Hiện nay, các trường ĐH không chuyên ngữ đều thực hiện chương trình ngoại ngữ với thời lượng 20 tín chỉ cho phần kiến thức cơ bản và 5-6 tín chỉ cho ngoại ngữ chuyên ngành. Thời lượng này cần được tăng lên. Đồng thời phải chú trọng các nội dung đào tạo chuyên môn. Các trường phải cam kết về chất lượng đào tạo tiếng Anh trong nhà trường, bao gồm cam kết về đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo và trình độ tiếng Anh của sinh viên khi tốt nghiệp.
* Hiện nhiều trường chọn chuẩn đầu ra là tiếng Anh TOEIC, theo ông liệu đã chuẩn?
- Việc nhiều trường chọn chương trình này làm chuẩn đầu ra dễ dẫn đến việc tuyệt đối hóa năng lực tiếng Anh của một loại nghề nghiệp của sinh viên tốt nghiệp. Tuy nhiên, trong thực tế sinh viên ĐH khi tốt nghiệp có nhiều con đường khác nhau để lựa chọn như đi làm ngay, khởi tạo doanh nghiệp, đi học cao hơn, tham gia nghiên cứu...
Tôi nghĩ cần hết sức tỉnh táo trong việc chọn TOEIC làm chuẩn đầu ra và nên coi chương trình này chỉ là cách thêm vào để đánh giá năng lực tiếng Anh của sinh viên thôi.
* Như vậy, việc dạy và học tiếng Anh của sinh viên nên theo chuẩn nào?
- Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 có đề xuất sử dụng khung trình độ năng lực ngoại ngữ thống nhất (dựa trên khung tham chiếu chung châu Âu - CEFR), gồm 6 bậc tương thích với các bậc trình độ ngoại ngữ quốc tế thông dụng để làm căn cứ biên soạn chương trình.
Theo tôi, cần tiến hành kiểm tra trắc nghiệm đầu vào về năng lực ngoại ngữ của sinh viên tương đương với bậc nào, từ đó, các trường tiến hành dạy và học ngoại ngữ theo nhiều chương trình với nhiều thời lượng khác nhau nhằm đáp ứng trình độ đầu vào khác nhau. Tùy theo điều kiện cụ thể của mình, các trường có thể xây dựng và tiến hành chương trình dạy và học tiếng Anh phù hợp để sinh viên đạt từng bậc cao hơn nữa về năng lực ngoại ngữ.
TS Vũ Thị Phương Anh, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TPHCM: Cần trang bị thêm 3 kỹ năng
|
Bình luận (0)